Chiều ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2023.

Tại cuộc họp trên, đề cập đến gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ dành phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) đã thống nhất có gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

“Trong 1-2 ngày tới sẽ có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ này, để có hướng dẫn cho vay thống nhất ở cả 4 ngân hàng”, ông Tú tiết lộ.

Về tín dụng, theo thông tin tại cuộc họp, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng như trên là không cao nhưng cũng có những lý do khách quan lẫn chủ quan. Khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay khiến nhu cầu tín dụng bị chững lại. Thêm vào đó, giai đoạn đầu năm, một số dự án, giải ngân đầu tư chậm do bị ảnh hưởng bởi kỳ Tết Nguyên đán, dẫn đến tín dụng cũng tăng chậm.

 “Tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, chúng tôi tính toán tín dụng trong năm nay vẫn tăng khoảng 14-15%. Room tín dụng không còn là vấn đề. Hiện câu chuyện tín dụng lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú nói.