Ảnh minh hoạ.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bật tăng trước áp lực thanh khoản

Trong tuần qua, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở. Như kỳ vọng, nhu cầu thanh khoản bật tăng trước kỳ nghỉ lễ dài và NHNN đã sử dụng kênh mua kỳ hạn nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường, đặc biệt cho 2 ngày trước kỳ nghỉ lễ.

Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần do SSI Research mới công bố cho thấy, chỉ trong 3 ngày giao dịch, NHNN đã bơm ra khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất tăng lên 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày. Bên cạnh đó, nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn (35 nghìn tỷ đồng), NHNN đã bơm ròng khoảng 53 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở.

Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy mạnh lên 4,5% (tăng 105 điểm cơ bản so với tuần trước), tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD. Các kỳ hạn khác như 1 tuần đến 1 tháng không có nhiều chênh lệch mạnh, dao động quanh mức 4,6 – 4,9%.

Trong tuần này, các chuyên gia kỳ vọng thanh khoản hệ thống sẽ trở lại trạng thái bình thường và NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt sử dụng kênh hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các NHTM trong năm nay có thể sớm được công bố và việc nới hạn mức được dự đoán sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng và mức độ sẽ không quá cao.

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ

Tâm điểm trên thị trường tuần qua đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu. Việc Nga thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream vô thời hạn vào cuối tuần trước đã làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt vào mùa đông tới ở Châu Âu, và cũng làm lu mờ đi các số liệu về thị trường lao động của Mỹ được công bố vào tuần trước.

Rủi ro về khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu cũng giúp đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh của mình. Chỉ số DXY đã đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua (và tăng 0,7% so với tuần trước). Các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như GBP -2,0%, JPY -1,86%, EUR -0,1%. Các đồng tiền trong khu vực Châu Á cũng ghi nhận mức giảm mạnh như KRW -2,3%, THB -1.90%, TWD -1,2%,…

Quay trở lại về số liệu kinh tế ở thị trường Mỹ trong tuần qua, một số thông tin tích cực bao gồm khảo sát về chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng từ 95,7 điểm trong tháng 7 lên 103,2 điểm trong tháng 8, cao hơn nhiều so với kỳ vọng.

Ở thị trường lao động, báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp cho thấy tạo ra 315 nghìn việc làm mới trong tháng 8, cao hơn so với mức dự báo là 295 nghìn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng đã tăng lên 3,7%, từ mức dự báo 3,5% và triển vọng tăng lãi suất của Fed trong kỳ họp tháng 9 tiếp tục có sự thay đổi.

Dự báo về khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 9 tăng lên 40% (từ mức 25% trong tuần trước đó – sau phát biểu của chủ tịch Fed trong hội nghị Jackson Hole).

Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Đồng VND có diễn biến ổn định khi chỉ giao dịch 3 ngày trong tuần trước. Tuy nhiên, trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã được điều chỉnh tăng mạnh 80 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng cửa vượt mức VND23.500/USD.

Mặc dù đồng VND đã có một số thông tin tích cực trong tuần qua liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD), diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD quốc tế và các chuyên gia không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.

Điểm tích cực trong giai đoạn này (khác với thời điểm tháng 7) là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao.

Châu Giang