Ngày 28/12, Ban Chỉ đạo Điều hành giá đã có cuộc họp tổng kết năm 2022 và định hướng năm 2023.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1-3,2% so với năm 2021, nằm trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhu cầu hàng hóa tăng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Giá cả một số mặt hàng chiến lược, nguyên nhân vật liệu biến động tăng cao vào nửa đầu năm, tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới đã tác động mạnh đến giá cả trong nước.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng liên tục từ đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 6, sau đó giảm trong 4 tháng tiếp theo và nhích tăng trở lại trong tháng 11 rồi lại giảm mạnh trở lại trong tháng 12.

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia có sự khan hiếm nguồn hàng thì nước ta vẫn chủ động sản xuất được, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nên giá cả tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ vào một số thời điểm lễ tết.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, năm 2022 công tác quản lý, điều hành giá gặp rất nhiều khó khăn, khó nhất là triển khai nhất quán theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng năm 2022, các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ được giá hợp lý.

Đặc biệt, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2022, xăng dầu điều hành rất khó khăn, rất dị biệt, nhưng kết quả rất tốt.

1_20221229094940.jpg

Dự báo lạm phát 4,5% năm 2023, dịch vụ giáo dục tăng cao nhất

Báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra ba kịch bản lạm phát năm 2023. Theo kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng hoảng 4,2% so với năm 2022: trong trường hợp giá xăng dầu giảm 5%, giá gas tăng 2%, giá lương thực thực phẩm tăng 3%, giá điện tăng khoảng 5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 15%, giá dịch vụ y tế tăng 4% ...

Ở kịch bản 2, CPI bình quân tăng khoảng 4,55% so với năm 2022 trong trường hợp giá xăng dầu giữ ổn định. Giá gas tăng 3%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 7%, giá dịch vụ giáo dục tăng 18%, giá dịch vụ y tế tăng 6%...

Ở kịch bản thứ 3, giả định giá xăng dầu tăng 3%, giá gas tăng 4%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá dịch vụ giáo dục tăng 20%, giá dịch vụ y tế tăng 6%..., thì dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,98% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2023 tăng khoảng 4,2-4,98%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 4,4-4,8%, trong đó, có giả định giá xăng dầu ổn định tại 3 kịch bản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,3% (cộng trừ khoảng 0,5%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dự báo trong năm 2023 giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động phức tạp theo chiều hướng tăng. Thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch đang đến gần, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Lễ tết, đẩy mạnh các hoạt động bình ổn thị trường, kết nối các địa phương tăng cường bình ổn giá, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành rút kinh nghiệm trong điều hành, cần phải “nhanh nhạy, kịp thời, thống nhất trong chỉ đạo xử lý” trước những vấn đề mới phát sinh, tránh để ảnh hưởng tới cân đối cung- cầu và giá cả thị trường.

Đối với năm 2023, Quốc hội quyết định lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn so với những năm trước, do đó áp lực trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá là rất lớn, cần hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trước mắt, đặc biệt lưu tâm đến kiểm soát giá cả thị trường dịp cuối năm, dịp lễ tết sắp tới, đảm bảo nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.

Đối với giá các mặt hàng thiết yếu, giá lương thực, thực phẩm, giá vận tải cần được các bộ, ngành kiểm soát chặt, tránh tăng giá ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Trong năm 2023, Phó Thủ tướng công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát. Các Bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Xuân Hưng