tphcm-jpg-1459931149dlut-gysj-1346.jpeg

Các doanh nghiệp phải nỗ lực "tự cứu mình" để giữ "chữ tín" với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thì vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản. Cùng với đó, từ ngày 1/7/2015 cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% từ 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023.

Cũng theo ông Châu, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền. Thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Đồng thời, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Bên cạnh những khó khăn trên, theo ông Châu, thị trường bất động sản cũng gặp vướng mắc về mất cân đối sản phẩm cùng một số yếu tố tác động khác như khó tiếp cận tín dụng, thị trường trái phiếu...

Thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã "học được các bài học đắt giá, đáng đồng tiền bát gạo", theo ông Châu thì các doanh nghiệp không chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc chỉ chăm chăm "tối đa hóa lợi nhuận" mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Các doanh nghiệp phải nỗ lực "tự cứu mình" để giữ "chữ tín" với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, ông Châu cho rằng cần phải hướng về nhu cầu thực. Mặt khác, để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, tập trung vào nhu cầu 100 triệu dân trong nước và đặt nền móng phát triển cho tương lai.

Trong thời gian tới, để giải quyết vướng mắc về pháp lý, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 18 yêu cầu hết năm 2023 phải sửa đổi xong Luật Đất đai và một số Luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, trong đó có Luật Nhà ở, Luật KDBDS… 3 Luật này sẽ được thông qua trong cuối năm 2023 và có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đầu tháng 1/2023 sẽ họp kỳ họp bất thường lần thứ hai để giải quyết các vấn đề nóng và bất động sản cũng đã được đề nghị đưa vào trong nội dung kỳ họp.

Chính phủ trong 2 năm vừa qua đã tổ chức 18 cuộc họp chuyên đề về pháp luật để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các chỉ đạo trực tiếp để giải quyết những vướng mắc khó khăn của bất động sản.

Ông Châu tin tưởng với những hành động quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, hướng về nhu cầu thực.

"Điều này không chỉ phục vụ cho hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài. Thị trường bất động sản sẽ được thụ hưởng những thành quả này", Chủ tịch HoREA nhận định.

Theo HoREA, hai năm (2022 - 2023) là "thời điểm vàng" để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản. Đi đôi với tháo gỡ "vướng mắc" về "thủ tục hành chính" thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.

Minh Vân