UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và dự án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga, đề-pô đường sắt (đoạn qua địa phận thành phố).
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện, gồm: Phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 của Chính phủ kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.
Triển khai xây dựng khu tái định cư cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (đoạn qua địa bàn thành phố).
Triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và dự án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga, đề-pô đường sắt theo mô hình TOD.
Rà soát quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng phụ cận các nhà ga, đề-pô đường sắt để khai thác quỹ đất thực hiện mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu hoàn thành triển khai xây dựng khu tái định cư trước tháng 12/2026, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong tháng 12 năm 2026.

Trước đó tại Thông báo số 335/TB-VPCP kết luận về cuộc họp dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ điều kiện khởi công vào tháng 12/2026.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 172/2024. Dự án có quy mô 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Đây là một trong những công trình hạ tầng chiến lược được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD). Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án vào 2035.
Hiện VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, THACO của tỷ phú Trần Bá Dương và một số doanh nghiêp khác đang đề xuất tham gia xây dựng “siêu dự án” này./.