Tại công văn trên, Bộ Tài chính cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cho phép các địa phương được áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025. Sau đó các địa phương sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/1/2026.
Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Trình tự điều chỉnh Bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024 ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, từ 1/8 đến nay, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, khu vực tiếp nhận thủ tục đất đai ở UBND các quận, huyện của TP.HCM, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, TP. Thủ Đức... rất đông đúc người dân đi nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, xin tách thửa hay chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hầu hết trong số này đều muốn hoàn tất sớm hồ sơ trước khi thành phố áp bảng giá đất mới. Lúc đó, thuế phí chuyển đổi đất có thể tăng từ vài trăm triệu đồng lên vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân nộp từ ngày 1/8 đều đang bị “treo”.
Liên quan đến việc này, trong văn bản vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xem xét và có văn bản giải thích luật đối với khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 để các địa phương thống nhất cách hiểu và dễ thực thi, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có duy nhất TP.HCM công bố thông tin về Dự thảo Bảng giá đất áp dụng từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/12/2024.
Việc này được Sở Tài nguyên và Môi trường giải thích lý do theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024, từ 1/8 sẽ không còn quy định về hệ số điều chỉnh giá đất và phải cập nhật giá đất tái định cư. Do đó, nếu không ban hành Bảng giá đất điều chỉnh sẽ dẫn đến tắc nghẽn công tác xác định nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư./.