Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày hôm qua (19/2) đã ký ban hành Công văn số 451/UBND-BTCD về việc rà soát, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện, gửi đơn thư vượt cấp, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát kiện toàn Ban Tiếp công dân, bộ phận tiếp công dân đảm bảo bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thực hiện công tác này theo quy định.

Rà soát chức năng, nhiệm vụ, sự phân công, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tham mưu, nhất là trong công tác theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo rõ người, rõ việc; quan tâm bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân với tinh thần phục vụ nhân dân, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.

Đồng thời, nghiêm túc tổ chức thực hiện và làm tốt công tác tổng hợp, theo dõi, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBND Thành phố giao về giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; nhiệm vụ được giao tại các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.

Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Bộ Xây dựng, UBND Thành phố và các đơn vị liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, tổng hợp những tồn tại, vướng mắc hiện nay trong công tác quản lý, vận hành, xử lý vi phạm, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp có liên quan, tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo trong xử lý, giải quyết vụ việc tồn tại, phát sinh, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/4/2024.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp các dự án giao đất giãn dân nông thôn triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 nhưng còn tồn tại, vướng mắc, làm rõ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc từng dự án, tổng hợp, tham mưu việc chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/6/2024.

Dịp này, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi còn tồn tại công tác giao đất dịch vụ) được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chi tiết để giao đất dịch vụ cho các hộ dân, báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành xong công tác này trước ngày 30/9/2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên quan đến việc này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây đã có báo cáo kết quả giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng số nhu cầu đất dịch vụ để giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố là 360,52ha với 55.580 hộ.

Thành phố hiện đã thực hiện giao đất cho 36.557 hộ với diện tích 248,33ha. Số hộ chưa giao đất dịch vụ là 19.023 hộ, diện tích 112,19ha. Các hộ dân chưa được giao đất dịch vụ thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức và Thanh Trì; trong đó huyện Mê Linh chiếm diện tích lớn nhất với 24,4ha với 5.705 trường hợp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc giao đất dịch vụ gặp nhiều vướng mắc do chính sách đất đai các thời kỳ, từng địa phương bao gồm tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Mê Linh), tỉnh Hà Tây (cũ) và Hà Nội trước khi mở rộng năm 2008.