Đó là quan điểm được Ts.Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được tổ chức ngày 18/3.

Theo đó, phát biểu tại hội nghị trên, Ts. Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay cầu về thị trường nhà ở căn hộ rất sôi động. Nếu chúng ta phát triển được nhà ở xã hội trong gia đoạn này thì có tác động rất lớn, lan tỏa đến sự bình ổn, cân bằng thị trường bất động sản.

Đây cũng là thời điểm các nguồn tài trợ về vốn cho phát triển các dự án bất động sản nói chung, đặc biệt là bất động sản về nhà ở xã hội là khá dồi dào. Chúng ta không lo sự cạnh tranh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Do đó, đây là thời điểm rất chín muồi để chúng ta thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Cường, trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, nếu chúng ta thúc đẩy phát triển mạnh nhà ở xã hội sẽ tạo ra sự lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là chúng ta giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp hay chúng ta giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.

“Tôi cảm nhận rằng trong thời gian vừa qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội đang hướng giải quyết nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp nhiều hơn là hỗ trợ giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp. Với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay”, ông Cường nói.

Ông cho biết có nghe được phát biểu của một đại diện doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói rằng sau một thời gian kiểm lại thì đến 80% số người mua không còn ở đấy nữa và người ta bán lại. Vậy rõ ràng trong điều kiện người ta có thu nhập thấp thì trước tiên họ phải tìm cách lo cuộc sống.

Từ phân tích trên, ông Cường đề nghị là chúng ta quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay.

Thứ nhất, liên quan đến vị trí phát triển nhà ở xã hội, chúng ta hiện nay đang đưa nhà ở xã hội đến vị trí nó khá xa so với trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, phương tiện đi lại không có, mất thời gian di chuyển nên người ta không muốn đi xa. Trong chương trình nhà ở xã hội, chúng ta dành có 2% cho thuê nhưng mà lại ở xa nên người ta sẽ không thuê. Người ta sẵn sàng thuê nhà với giá cao hơn, chật hơn nhưng gần chỗ làm việc, gần nơi con cái học hành và những dịch vụ vượt trội khác ở trung tâm.

Do vậy đề nghị chúng ta phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.

“Đối với loại nhà này, tôi đề nghị sử dụng nguồn vốn vay thật ưu đãi. Chẳng hạn nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội vay dài hạn với lãi suất thấp. Nếu doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư để cho thuê thì tiền thuê không đủ tiền vận hành chứ không nói đến việc thu hồi vốn đầu tư. Vốn này phải là vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc thậm chí là vốn Nhà nước. Như vậy mới giải quyết được một phần nhu cầu chỗ ở và đương nhiên chúng ta vẫn phải phát triển chương trình thứ 2 là đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng mua được nhà. Tôi nghĩ chương trình này nên dành 50% cho thuê và 50% cho mua”, ông Cường nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, Ts.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ nên ưu tiên đất nội đô làm nhà cho người nghèo bởi vì người nghèo không có phương tiện đi lại ngoài giao thông công cộng. Các thành phố lớn trên thế giới quy hoạch nhà ở theo hướng để cho những người nghèo gần hệ thống giao thông công cộng, gần bệnh viện.

“Loại hình thứ hai là mô hình phát triển nhà ở như Singapore, tức là bất cứ ai mua nhà ở Singapore được hưởng chế độ nhà ở của người dân Singapore thì phải trả lãi suất là 2,5% vay ngân hàng có kỳ hạn lên đến 30 năm và phần chênh lệch còn lại so với lãi suất thị trường thì Chính phủ đền bù. Như vậy ngân hàng không bị ảnh hưởng gì bởi đã có Chính phủ hỗ trợ”, ông Nghĩa nói.

Nên rà lại chính sách nhà ở xã hội

Phát biểu tại hội nghị, sau khi chỉ ra những điểm vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ của chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Ts.Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia đề nghị nên rà lại chính sách nhà ở xã hội.

Theo ông, việc xây dựng khung chung về phát triển nhà ở xã hội cho mọi địa phương, mọi đô thị là không phù hợp, do “không thể có một cái lưới đánh mọi loại cá được” bởi đặc điểm đô thị khác nhau.

Từ kinh nghiệm thế giới, ông cho rằng phần lớn các nước xây dựng nhà ở xã hội là việc của chính quyền địa phương. Ở đó họ mới biết có được là bao nhiêu người có nhu cầu, nhu cầu thuê, mua và xây dựng chương trình để họ thực thi. Chính phủ chỉ hỗ trợ, còn chúng ta thì Chính phủ đi lo cả hai gói lãi suất.

“Tôi xin kiến nghị, thứ nhất, tạo ra một khung pháp lý tương đối mềm, linh hoạt cho các địa phương có điều kiện khác nhau và trách nhiệm chính là chính quyền địa phương phải xây dựng.

Điểm thứ hai, chúng ta nên có quan điểm rõ ràng, nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không có trách nhiệm lo sở hữu nhà ở cho mọi người. Chính vì vậy, chúng ta phải có quỹ nhà ở cho thuê. Ai làm cái này? Đó là 2 đối tượng lớn, một là Nhà nước và thứ 2 là các doanh nghiệp”, ông Lịch nói.

Để dẫn chứng, ông Lịch cho biết, như tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng thì làm sao mua nhà. Do đó, nếu chúng ta chọn đối tượng không phù hợp, sẽ tắc ngay. Đây là vấn đề phải rà lại.

“Tôi ủng hộ quan điểm của Ts. Lê Xuân Nghĩa. Muốn làm nhà ở xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực chứ không thể Nhà nước chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm. Tôi nghĩ rằng các chính sách phải có cơ chế hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước với một tỉ lệ phù hợp, ví dụ bù lãi suất..”, ông Lịch nêu quan điểm.