Kết thúc phiên giao dịch ngày (30/8), chỉ số VN Index lấy lại sắc xanh, đạt 1.279,39 điểm, tăng 8,59 điểm, tương đương tăng 0,68% so với chốt phiên trước. Thành quả này phải kể đến sự đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này ghi nhận nhiều mã tăng mạnh, đặc biệt là nhóm Big 4 bao gồm VCB (4,2%), BID (+2,1%), CTG (+1,8%).

Đáng chú ý, đây cũng là những ngân hàng gần như nắm chắc suất được tăng room tín dụng trong đợt này.

Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, một số ngân hàng cũng có mức bật tăng khá tốt trong phiên hôm nay bao gồm KLB (+4,3%), LPB (+1,6%), NAB (+1,4%), MBB (+1,1%),…

Dù chưa được công bố chính thức, nhưng theo giới quan sát, khả năng một số thành viên trong danh sách tiềm năng có thể đã được nhận room tín dụng mới.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo điều chỉnh nốt phần còn lại của room tín dụng cho các ngân hàng để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Nhà điều hành cũng nói rõ, việc ngân hàng nào được nới “room” và nới thêm bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào hai cơ sở chính.

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Với bộ tiêu chí này, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng gần như chắc chắn được nới room lần này khi đây là những thành viên “năng nổ” nhất trong việc cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn sau đại dịch. Đây cũng là những ngân hàng đăng ký giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% lớn nhất.

Riêng Vietcombank được dự báo sẽ còn được nhận chỉ tiêu “xông xênh” hơn khi ngân hàng tham gia tái cơ cấu CBBank.

Ngoài ra, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém khác bao gồm MBBank và HDBank cũng được dự đoán được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và các năm tới.

Riêng LienVietPostBank tuy không nằm trong danh sách ngân hàng cạn room nhưng giới phân tích dự báo cũng có thể nằm trong danh sách nới room đợt này bởi ngân hàng có tham gia việc tái cơ cấu một số quỹ tín dụng nhân dân.

Nhóm các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như VPBank, Sacombank, ACB, TPBank, MSB, VIB… cũng trong danh sách dự đoán sẽ được xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Trung Kiên