Nhà đầu tư chịu thiệt

Tại buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, thống kê tổng dư nợ TPDN tới thời điểm hiện tại vào khoảng 1,5 triệu tỷ, tương đương khoảng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng (5 triệu tỷ đồng).

Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ - con số này được đánh giá là có thể “gánh” được gần như toàn bộ nguồn vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.

Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại lại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, khi có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu.

“Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Cách làm hiện nay có vấn đề, cứ mỗi khi có sai phạm lại bị hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử chưa phù hợp. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.

"Chúng ta buộc phải làm lại. Hôm qua tôi họp với Thủ tướng, Thủ tướng đề cập tử huyệt kinh tế vĩ mô nếu thị trường này đổ bể, vỡ nợ, với tổng đáo hạn cuối năm là 84.000 tỷ, cả năm sau 140.000 tỷ", ông Nghĩa nói.

Theo chuyên gia, trách nhiệm lớn lao nhất là Chính phủ, niềm tin là doanh nghiệp, nhân dân, là trụ cột thị trường này. Chính phủ không nên nói không, chỉ trên nền tảng trách nhiệm của Chính phủ thì mới tạo lòng tin. Lòng tin quyết định phát triển thị trường.

Cần cơ chế đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư

Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan trái phiếu, ông được một số nhà đầu tư cá nhân mời đại diện làm việc với nhà phát hành trái phiếu.

Trong quá trình làm việc, đứng khía cạnh nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư cá nhân thật ra họ không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì họ nhảy vào, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao.

Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, hiện nay nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý. Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong xử lý việc này.

Khi đại diện nhà đầu tư làm việc, họ chỉ có mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn mong muốn lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý, Cơ quan Điều tra có cho tại ngoại để xử lý các vấn đề. Tuy nhiên trong cơ chế nền tư pháp Việt Nam thì khó cho tại ngoại để xử lý. Giai đoạn tới phải xem xét cách xử lý, ứng xử của các đơn vị nếu lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý.

Thứ 2 đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân. Hiện nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền. Một số chủ doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.

“Tôi nghĩ vấn đề ở đây khía cạnh tư pháp trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Hà đề xuất.

Châu Giang