Thứ 6 ngày 1 tháng 11 năm 2024 / 8:29

Đại biểu Quốc hội: Không hợp thức các dự án sai phạm nhưng cần có cách xử lý phù hợp để tránh lãng phí

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị đình trệ. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực.

|

Đại biểu Quốc hội: Không hợp thức các dự án sai phạm nhưng cần có cách xử lý phù hợp để tránh lãng phí

|

thị trường

|

doanh nghiệp

|

tiêu điểm

|

quy hoạch

|

hạ tầng

|

dự án

|

tài chính

|

Cần làm rõ nguyên nhân các dự án bị đình trệ

Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ. 

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, hiên nay hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thị trường bất động sản được ban hành tương đối đầy đủ, tạo khung pháp lý cho phát triển thị trường. Tuy nhiên, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, chưa dự báo hết các vấn đề phát sinh và một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. (Ảnh: Quốc hội)
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. (Ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đó, nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại có thể do thiếu khung pháp lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở địa phương hoặc công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu. Một số mô hình như condotel vẫn chưa có định hướng xử lý rõ ràng, các quy định pháp lý chưa phù hợp.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị đình trệ. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý các dự án cụ thể, kể cả điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng phù hợp.

“Cần có chính sách hỗ trợ để giúp những người mua nhà bị ảnh hưởng do các dự án bị đình trệ vượt qua khó khăn. Có hướng dẫn cụ thể để UBND cấp xã xác định mức thu nhập của người lao động tự do không có hợp đồng lao động, nhằm xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội”, bà kiến nghị.

Cần làm rõ việc không hợp thức hoá các vi phạm của dự án bất động sản

Đóng góp ý kiến về báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, báo cáo và dự thảo nghị quyết giám sát đã đánh giá và đưa ra phương án giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp về thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản... 

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp.

Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay để giải phóng nguồn lực nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa và sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

“Chúng ta cần phải xác định là nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với thực tiễn rồi thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như là xung công hay là phá dỡ triệt để.

Còn nếu thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm nhưng cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu.

Cần có giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế

Phát biểu ý kiến, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật quản lý thị trường BĐS đã được ban hành, góp phần tạo khung pháp lý cho việc phát triển thị trường BĐS và nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2015-2023, thị trường BĐS đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, số lượng dự án, đặc biệt đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu rất lớn về nhà ở trong giai đoạn hiện nay. 

Báo cáo giám sát đã chỉ ra tồn tại, vướng mắc của thị trường BĐS và nhà ở xã hội, trong đó thị trường BĐS và nhà ở xã hội chưa bền vững, mất cân đối cung cầu, giá BĐS còn cao so với thu nhập của người dân, nhiều khu đô thị bỏ hoang, quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quản lý BĐS.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ, báo cáo cũng chỉ rõ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp; mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội…

Với những bất cập đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật công tác quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết, kịp thời, đặc biệt trong đó chỉ ra các điểm nghẽn về thể chế đã và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. 

Bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 được ban hành, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

“Những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án luật ngay từ kỳ họp này, nhất là các luật về quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư công. Trong đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực”, đại biểu nhấn mạnh./.

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn copy https://kinhdoanhvaphattrien.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-hop-thuc-cac-du-an-sai-pham-nhung-can-co-cach-xu-ly-phu-hop-de-tranh-lang-phi-39955.html

Tin liên quan