tin-dung-tang.jpg
Ảnh minh họa.

Lãi suất tăng, tỷ giá căng thẳng, khó về nguồn nhiên liệu và ảnh hưởng tiêu cực của những biến động kinh tế, chính trị quốc tế đã đặt DN trước hàng loạt áp lực xoay xở dòng tiền. Trong khi mùa “cao điểm” tiêu dùng cuối năm đang đến rất gần thì nhiều DN vẫn rất khó khăn với câu chuyện thanh khoản.

Trên thị trường tiền tệ, dù Ngân hàng Nhà nước đã rới room tín dụng nhưng DN vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn khi nhiều lĩnh vực đã cạn room. Lãi suất cho vay hiện cũng “căng như dây đàn”...

Nhu cầu vốn tăng cao, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19, trong khi các kênh dẫn vốn lại đang “tắc nghẽn” dẫn đến không chỉ DN bất động sản mà các DN sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài làn sóng của các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát sau giai đoạn kích thích kinh tế phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, những áp lực khi USD tăng giá mạnh so với đồng nội tệ cũng gây sức ép lớn với DN. Thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao, biến động trên thị trường trái phiếu đã tạo ra những cú sốc, đặt DN vào tình thế cấp bách khi dòng tiền hoạt động cũng như đầu tư gặp khó khăn, xuất hiện các điểm nghẽn.

Phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy, nghẽn thanh khoản kéo dài sẽ triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản của DN, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, qua đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ dòng tiền thu về trong tương lai.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, gỡ nghẽn dòng tiền cái khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán. Đó là ổn định vĩ mô; tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến, giải pháp được cộng đồng nhà đầu tư đề xuất nhằm “mở khóa” thanh khoản. Đầu tiên là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giải ngân các gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.

Trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Nhưng với quy mô như hiện tại, thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Thứ ba là xem xét để điều chỉnh room cho phù hợp. “Có những giai đoạn cao điểm Ngân hàng Nhà nước chưa kịp nới room các ngân hàng thương mại để cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh của từng ngành. Tôi nghĩ rằng nếu có một tỷ lệ room từ đầu năm thì các ngân hàng thương mại sẽ chủ động hơn” - một chuyên gia cho hay.

Hà Lâm