Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Dưới tác động của các đợt giảm lãi suất điều hành trên, các ngân hàng đã đồng loạt kéo giảm lãi suất huy động từ 9-10%/năm về mức dưới 7% như hiện nay.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của VnDirect cho thấy, hiện lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm về mức 6,40% vào cuối tháng 7/2023, giảm 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 6 và giảm 143 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.

Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động bình quân của các NHTM cũng lùi về mức 4,24%, giảm 6 điểm cơ bản so với cuối tháng 6 và 143 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, nhờ việc kéo giảm lãi suất huy động sau mỗi lần giảm lãi suất điều hành, những tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng đã niêm yết giảm lãi suất cho vay mua nhà với kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 8 đang dao động từ 4,99-11,8%/năm; trong đó, lãi suất vay mua nhà thấp nhất hiện nay đang thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ở mức 4,99%/năm.

Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng, từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, rơi vào khoảng 13,75%/năm.

Ảnh minh họa.

Cùng xu hướng giảm, đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã triển khai lãi vay mua nhà ở mức dưới 10%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong 3-6 tháng, cao nhất là 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, hầu hết các ngân hàng đều tính theo lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12-13,5%.

Hiện ngoài Big 4, gồm: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank đang triển khai cho vay mua nhà với mức lãi suất dưới 10% thì còn có sự tham gia của hàng loạt ngân hàng khác.

Cụ thể, tại Sacombank là 9,5/năm; SeABank là 9,29%; Eximbank và VIB cùng 8,5/năm; HDBank là 8,2%; TPBank là 8%/năm; Shinhan Bank là 7,99%/năm…

Một số ngân hàng mặc dù đã giảm lãi suất vay mua nhà nhưng vẫn duy trì ở mức cao, gồm: Viet Capital Bank, Hong Leong Bank, SHB, ACB Bank, ABBank, GPBank, HSBC, VPBank… với mức lãi từ 10,5-11,8%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỷ đồng, tăng gần 20.000 tỷ so với thời điểm cuối tháng 4/2023.

Hiện dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác có số lượng lớn nhất với 270.000 tỷ đồng. Tiếp theo là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở đứng thứ 2 với 252.796 tỷ đồng…

Theo khảo sát, hiện Techcombank là ngân hàng dẫn đầu trong cho vay bất động sản với (33,68%). Tiếp đó là VietBank (17,98%), VPBank (15,22%), SHB (14,84%), HDBank (12,05%), MSB (8,82%), TPBank (7,75%), Saigonbank (6,62%), KienLong Bank (6,47%), MB (5,75%), PG Bank (4,81%), và VIB (0,72%)….

Minh Quân