Bức tranh kinh tế năm 2023 chưa có dấu hiệu sáng hơn so với năm 2022

Nhìn lại 2022, ngay từ đầu năm nền kinh tế phục hồi rất mạnh qua việc tăng trưởng kinh tế và các ngân hàng mạnh tay cho vay, nhưng, đến cuối năm đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế.

Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính như thị trường chứng khoán mất hơn 30% giá trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đóng băng; thị trường vàng biến động rất mạnh; ngân hàng tăng lãi suất mạnh tay để thu hút vốn do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm 2022 cho các ngân hàng và đến cuối năm nâng trần tín dụng đến 15,5 và 16%. Điều này chứng tỏ càng vào cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam càng có những khó khăn và những khó khăn này đã kéo dài sang đầu năm 2023.

0802_-_ong_nguyen_chi_hieu_20230207163426.jpg TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Năm 2023 nhiều nhà đầu tư đã mong đợi sự phục hồi của thị trường chứng khoán nhưng thị trường mới chỉ hồi phục nhẹ rồi lại giảm điểm chứng tỏ thị trường tài chính của Việt Nam vẫn chưa ổn định.

Thị trường trái phiếu vẫn đang ở trong tình trạng đóng băng và Bộ Tài chính vẫn đang đề suất sửa đổi nghị định 65 với ý định phục hồi lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn từ những hệ quả của năm 2022.

Trong khi đó, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang và có khả năng căng thẳng rộng lớn hơn. Kinh tế thế giới cũng đang trong khủng hoảng do lạm phát ở các quốc gia vẫn tăng cao. Tại Mỹ, dù đã được kiểm soát nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao và các quốc gia phương Tây cũng đang trong tình trạng tương tự.

Năm 2023 các nước phương Tây trong đó có Mỹ vẫn sẽ tiếp tục có hành động tăng lãi suất, tuy nhiên các bước “nhảy” lãi suất sẽ thấp hơn năm 2022 do lạm phát đã phần nào được kiểm soát. Với tất cả những yếu tố bên ngoài như vậy sẽ tác động rất nhiều tới nền kinh tế Việt Nam.

Thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Khi Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục bị chao đảo. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất bởi đồng USD và các đồng tiền khác sẽ tiếp tục tăng giá khiến đồng tiền Việt Nam bị mất giá hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ cần kiểm soát tỷ giá đồng Việt Nam để giữ ổn định thị trường hối đoái và chống lạm phát.

2023 là năm Việt Nam có thể sẽ phải chứng kiến lạm phát cao sau khi ghi nhận CPI đã tăng lên 3,15% trong năm 2022. Mặc dù GDP của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02% nhưng đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn…

Cơ hội đầu tư ra sao?

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do báo Đầu tư tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có ba nguyên tắc đầu tư: Thứ nhất, an toàn vốn; Thứ hai, sinh lời cao; Thứ ba, thanh khoản cao. Tại điểm này tôi chưa nhìn thấy một kênh đầu tư nào hiệu quả.

Tiền gửi ngân hàng vẫn là an toàn nhất nhưng khả năng sinh lời không cao dù lãi suất tăng.

Thị trường chứng khoán hiện đang là kênh đầu tư rất rủi ro. Việc thị trường có thể quay trở lại mốc 1.500 điểm trong năm 2023 là khó có thể xảy ra.

Chính phủ đang tìm cách lấy lại lòng tin của nhà đầu tư ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng thị trường này có thể còn đóng băng ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Thị trường bất động sản đang có nguồn cung rất lớn, phần dư thừa đặc biệt ở phân khúc bất động sản cao cấp, các khu nghỉ dưỡng hiện đang bán rất chậm hoặc thậm chí đóng băng. Tuy nhiên phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình vẫn có nhu cầu rất cao. Nhưng đây lại là phân khúc mà các nhà đầu tư không mặn mà bởi không tạo ra lợi nhuận cao. Thị trường bất động sản trong năm nay sẽ tiếp tục trầm lắng, trừ trường hợp lãi suất có thể điều chỉnh xuống mức thấp và các nhà kinh doanh bất động sản cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Thị trường vàng lạc quan hơn bởi như trên đã đề cập do xung đột giữa Nga và Ukraine khó có thể giải quyết trong năm 2023 và thậm chí sẽ có thể leo thang. Thêm vào đó vấn đề lạm phát cao ở nhiều nước có thể sẽ còn đẩy giá vàng lên cao hơn nữa. Nhưng, đây là một thị trường khá rủi ro ở Việt Nam bởi cần phải theo dõi rất cẩn thận và chặt chẽ tình hình vàng cả trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ đối diện với tình trạng tỷ giá tăng và cần có những biện pháp ổn định thị trường và nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải xem xét việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, hạn chế lượng tiền lưu thông, cũng như tăng giá trị của đồng Việt Nam để từ đó kiểm chế tỷ giá.

Phạm Lê