0f904878a10e74502d1f-1693896669869753235447.jpg

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

UBND TP. Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại 23 chung cư cũ với khoảng 6.000 dân ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 30ha, thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, phía bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt, phía tây trùng với mép vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc, các phía còn lại trùng với tim phố Tô Hiệu.

UBND TP. Hà Nội dự kiến dành 1,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để nghiên cứu lập quy hoạch khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, bao gồm nhiệm vụ lấy ý kiến dân cư và thực hiện công tác thầu.

Năm 2016, thành phố có chủ trương xã hội hóa cải tạo đồng bộ cả khu chung cư, không làm riêng lẻ từng tòa nhà. Theo danh mục thành phố đưa ra, hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay chưa khu chung cư nào được cải tạo theo hình thức trên.

Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18-20m2, xây dựng năm 1987. Trong gần 30ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

Khu tập thể đã nhiều lần được lên kế hoạch cải tạo nhưng chưa thực hiện được. Cụ thể, năm 2004 Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội từng thực hiện xong việc điều tra xã hội học và lên kế hoạch thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 để trình thành phố. Chủ đầu tư cũng đã xin điều chỉnh hệ số sử dụng đất để có thể xây dựng chung cư 40-50 tầng trên nền những tòa nhà tập thể 3-5 tầng như hiện nay.

Năm 2016, thành phố có chủ trương lập quy hoạch cải tạo tổng thể các khu chung cư bằng hình thức xã hội hóa. Tập thể Nghĩa Tân cũng được một doanh nghiệp đăng ký cải tạo và đã lên phương án quy hoạch kiến trúc.

Thống kê đến năm 2020, TP. Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Thùy Chi