UBND TP Hà Nội mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc điều chỉnh toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc Lợi sang xây dựng nhà ở xã hội. Việc chuyển đổi này xuất phát từ đề nghị của chính chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam.

Đáng chú ý, bối cảnh đề nghị chuyển hàng nghìn căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội của chủ đầu tư này diễn ra khi thời gian qua, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng không ngừng nghỉ.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo báo cáo của Savills Việt Nam, tại Hà Nội, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình đạt 53 triệu đồng/m2, tăng 18 quý liên tiếp và cao hơn 73% so với quý I/2019. Nguyên nhân là do giá đất và chi phí xây dựng tăng, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng.

Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giá căn hộ chung cư tại Hà Nội được cho là đang ở mức cao, tuy nhiên theo khảo sát, trong quý 2/2023, giá vẫn tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước.

Mức giá tăng cao nhất là ở các dự án thuộc quận Tây Hồ và khu vực xung quanh. Tại đây, số lượng dự án chung cư mới mở bán ở khu vực này rất hiếm nên đều có mức giá khoảng 80 triệu đến 100 triệu đồng/m2.

Ghi nhận cho thấy, hiện nay các dự án căn hộ trên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Võ Chí Công, Lạc Long Quân… đều tăng giá mạnh so với giá gốc và tăng khoảng 1% đến 3% so với quý trước.

Theo tìm hiểu, dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (gọi tắt là khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi) đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2016. Địa điểm xây dựng khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên.

Năm 2018, UBND TP có quyết định chủ trương đầu tư với nhà đầu tư là Công ty CP Him Lam.

Khi phê duyệt, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2, quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư; trong đó, có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án khoảng 7.002 tỷ đồng, tiến độ dự án khoảng 19 tháng.

Đến tháng 2/2020, UBND TP. Hà Nội có văn bản đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.

Tiếp đó, tháng 12/2021, Công ty CP Him Lam chính thức có văn bản đề nghị TP. Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà ở dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.

Liên quan đến việc Hà Nội vừa xin ý kiến, trước đó, ngày 21/8/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản tham gia ý kiến, trong đó đề nghị UBND TP. Hà Nội có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền.

Được biết, theo quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm và quyền hạn quyết định cho phép điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở phục vụ tái định cư hoặc quyết định điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có từ 500 căn trở lên theo chủ trương của Chính phủ, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc khi có đề nghị của UBND cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc điều chỉnh nhà ở phục vụ tái định cư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư sang làm nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại theo đề nghị của UBND cấp tỉnh.

Trung Kiên