Theo công bố, 8 tháng năm 2023, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Về nguồn vốn nước ngoài rót vào thị trường bất động sản Việt Nam, báo cáo công bố trước đó một ngày của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/8/2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn là hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa.
Trước đó, 7 tháng đầu năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường bất động sản Việt Nam 1,61 tỷ USD.
Theo báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), 6 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư ngoại là những dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Các tên tuổi ngoại đang nổi lên qua các thương vụ M&A là: Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail... Phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Một số thương vụ đã tách riêng doanh nghiệp dự án để đối tác ngoại mua đứt, đây cũng là lựa chọn được đối tác ngoại ưa thích.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn gặp nhiều thử thách cho nhà đầu tư trong việc tìm kiếm những cơ hội chất lượng tốt. Thực tế mặc dù có nhiều tài sản đang thoái vốn, nhưng danh mục dự án để khối ngoại có thể "xuống tiền” lại khá hạn chế, nguyên nhân là do tính hợp pháp, kỳ vọng về giá cả từ cả hai phía và vấn đề bồi thường. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các dự án đều có ít nhiều các vướng mắc vẫn cần được tháo gỡ.
Vân Phong