Như chúng tôi đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 thuộc Điều 8 của Thông tư 06 sẽ được tạm ngưng thay vì áp dụng từ 1/9/2023.
Cụ thể, những nhu cầu vốn không được phép cho vay theo Khoản 8,9 và 10 của Thông tư 06, bao gồm: Để góp vốn, mua phần góp vốn của công ty tư nhân và công ty cổ phần chưa đăng ký giao dịch trên UPCOM; Để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và để bù đắp tài chính, trừ trường hợp đáp ứng các điều kiện cụ thể.
Ảnh minh họa |
Trước sự kiện trên, đánh giá nhanh về tác động đối với lĩnh vực bất động sản, chuyên gia Công ty Chứng khoán ABC (ABCS) cho rằng, Thông tư 10/2023 nằm trong chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung.
Việc tạm ngưng thi hành các khoản mục trên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng) nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.
Điều này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới.
“Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có thể hưởng lợi từ thông tư này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng hưởng lợi nhiều bao gồm NVL, PDR, DXG”, báo cáo nêu rõ.
Đề cập đến tác động của thông tư trên đến ngành ngân hàng, ABCS cho rằng, các điều chỉnh trên sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, vốn đang ở mức thấp trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 7 chỉ tăng 4,56% so với đầu năm, giảm 0,17% so với thời điểm cuối tháng 6).
“Trên thực tế, mỗi ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro riêng và vẫn có thể sẽ không chủ động giải ngân đối với các dự án và khoản vay mà họ đánh giá là có rủi ro cao. Trong khi đó, thông tư mới ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân tín dụng đối với các ngân hàng ưa thích cho vay lĩnh vực bất động sản.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng cao, bao gồm TCB (35,5%), LPB (31,6%), SHB (27,3%), VPB (22,5%) và MSB (17,9%)…”, báo cáo của ABCS nêu rõ.
Tuấn Minh