Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố cập nhật xếp hạng tín nhiệm cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Theo đó, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 với hạng mục Nhà phát hành và tiền gửi nội tệ (LC) dài hạn cho SHB.

Tuy nhiên, tổ chức này đã hạ triển vọng đối với xếp hạng tiền gửi dài hạn và xếp hạng tổ chức phát hành dài hạn của SHB từ tích cực xuống ổn định.

Theo Moody’s, việc giữ nguyên xếp hạng B1 và B2 BCA của SHB phản ánh kỳ vọng của tổ chức này đối với chỉ số tín dụng của ngân hàng sẽ duy trì ổn định trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

“Sự cải thiện khiêm tốn về vốn hóa của ngân hàng sẽ cung cấp một bộ đệm chống lại các rủi ro đanng ngày càng tăng liên quan đến tài sản và khả năng sinh lời giảm sút do chi phí tín dụng cao hơn. Xét nghiệm B2 BCA cũng phản ánh nguồn vốn và thanh khoản vừa phải của ngân hàng”, Moody’s cho biết.

Xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn B1 của SHB cao hơn một bậc so với b2 BCA, phản ánh đánh giá của Moody's về khả năng vừa phải có thể nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, dựa trên thị phần khiêm tốn của ngân hàng, chỉ chiếm 3% trong tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2022.

Liên quan đến quyết định hạ triển vọng xếp hạng từ tích cực xuống ổn định, Moody’s cho biết điều này phản ánh mức cải thiện vốn hóa thấp hơn dự kiến của ngân hàng trong năm 2022 trong bối cảnh môi trường hoạt động đầy thách thức do áp lực từ lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Tính đến tháng 12/2022, vốn chủ sở hữu hữu hình trên tài sản có rủi ro (TCE/RWA) của SHB đã tăng lên 7,2% từ mức 6,7% một năm trước đó.

Theo Moody’s, việc SHB tăng cường rót vốn vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng như nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gây rủi ro về tài sản.

Tính đến cuối năm 2022, cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng chiếm 24,3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng, cao hơn mức 20,2% một năm trước đó. Đồng thời, lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng lên 2,3% tổng tài sản từ mức 1,1% trong cùng kỳ.

Moody's cho rằng lợi nhuận của SHB sẽ giảm do biên lãi ròng (NIM) thấp hơn và dự phòng rủi ro cho vay cao hơn. NIM sẽ giảm do lãi suất cho vay giảm cùng với việc giảm lãi suất chính sách.

Ngoài ra, cơ quan này cũng kỳ vọng SHB sẽ tăng trích lập dự phòng do tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Mặc dù vốn hóa của SHB sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ vào số tiền thu được từ việc bán công ty con tài chính tiêu dùng – SHB Finance, nhưng Moody's cho rằng mức vốn hóa này sẽ vẫn ở mức khiêm tốn so với các ngân hàng khác trong hệ thống.

Moody’s cho biết, việc đánh giá xếp hạng đối với SHB cũng xét đến nguồn vốn và thanh khoản ổn định của ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 12/2022, khi tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngân hàng đã giảm từ 111% xuống 107%.

Thanh khoản của ngân hàng được đánh giá là vẫn còn ở mức khiêm tốn. Các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, số dư tại ngân hàng trung ương và trái phiếu chính phủ chỉ chiếm 6% tổng tài sản của ngân hàng, cho thấy một bộ đệm hạn chế trong trường hợp cần thiết.