Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 do Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội tổ chức chiều nay (11/4), bên cạnh kết quả kinh doanh 2022, kế hoạch kinh doanh 2023, kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức,… thì một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chính là kế hoạch của ngân hàng liên quan đến việc xây dựng trụ sở chính tại khu "đất vàng" 31 – 33 Lý Thường Kiệt.

Được biết, đây là khu đất có vị trí rất đắc địa với 3 mặt phố là Lý Thường Kiệt – Hàng Bài – Vọng Đức, chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét. Với diện tích hơn 2.200 m2, khu đất thuộc quyền sử dụng của ngân hàng SHB, được UBND TP quyết định giao đất từ năm 2015.

Mục đích của SHB là sẽ xây dựng trụ sở ngân hàng trên khu đất, với quy mô 13 tầng, tuy nhiên, theo quy hoạch của khu vực này thì ngân hàng sẽ chỉ được xây 8 tầng. Cũng vì chưa thống nhất được chủ trương nên trong nhiều năm qua, khu đất này bị bỏ hoang, trở thành một bãi gửi xe, không những gây mất mĩ quan mà còn gây bức xúc cho người dân trong khu vực.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, ngân hàng đã có kế hoạch cho khu đất này.

“Khu đất này là đất thổ cư, SHB dự kiến sẽ làm trụ sở ngân hàng. Mấy năm qua chúng tôi cũng rất sốt ruột do đã có báo cáo với các ban ngành thành phố, trung ương xin xây cao tầng vì đây là trung tâm tài của chính ngân hàng, lại ở ngay trung tâm thành phố. Việc này đã kéo dài đã lâu nên chúng tôi sẽ sớm quyết định, không để lâu nữa.

Nếu được cấp phép chỉ được xây 8 tầng thì chúng tôi cũng sẽ xây, chậm nhất năm sau sẽ tiến hành khởi công xây dựng trụ sở chính của ngân hàng”, ông Hiển nói.

Cũng tại đại hội, đề cập đến khoản chứng khoán đầu tư có quy mô lớn, lên tới 32.000 tỷ đồng giữ đến ngày đáo hạn, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, khoản mục này có 3 phần chính là trái phiếu chính phủ (chiếm gần 60% 19.000 tỷ); trái phiếu của một số TCTD (1.120 tỷ chiếm 3,5%) và trái phiếu của các tổ chức kinh tế khác (hơn 13.100 tỷ đồng).

Trong phần 13.000 tỷ đồng nói trên, 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3- 5 năm, trái phiếu còn lại 40% là mảng bất động sản và xây dựng liên quan đến 1 số dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở.

Tổng giám đốc SHB khẳng định, các dự án đều có tài sản đảm bảo, giấy tờ pháp lý đầy đủ. Hiện các trái chủ, trong đó có SHB vẫn đang được thanh toán đầy đủ cả gốc lãi đầy đủ.

Quang cảnh buổi họp.

Kế hoạch lợi nhuận tăng nhưng cổ tức giảm

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông 2 phương án, tương ứng với hai hạn mức tăng trưởng tín dụng là 10% và 14%.
Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 8,93% lên 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 12,05% lên 456.180 tỷ đồng.

Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, đạt 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 10,09% lên 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.

Tại cả hai phương án, ban lãnh đạo ngân hàng đều đặt mục tiêu chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ là 15%, thấp hơn mức chia của năm 2022 là 18%.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, vì sao kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đều tăng nhưng kế hoạch chia cổ tức lại giảm, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, kế hoạch chia 15% mới chỉ là dự kiến trước những khó khăn trong năm nay. Nếu doanh thu, lợi nhuận tăng ngân hàng sẽ đảm bảo đưa lợi ích của cổ đông, đưa tỷ lệ chia cổ tức bằng hoặc cao hơn năm trước.