Nhiều tên tuổi mới lọt bảng xếp hạng
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố top 10 công ty bất động sản năm 2023.
Theo danh sách vừa được công bố, sau một năm đầy biến động bởi tác động của đại dịch Covid -19 kéo dài, những hệ lụy của cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh… top 10 chủ đầu tư bất động sản 2023 đã có những sự thay đổi đáng chú ý khi không còn sự xuất hiện của những “ông lớn” bất động sản như Novaland, BIM Land hay Hưng Thịnh Land.
Điều đáng nói, nếu như mấy năm trở lại đây, Novaland từng nhiều năm liền là á quân trong danh sách này thì năm nay Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đã vươn lên thế chân vào vị trí trên.
Đặc biệt sự góp mặt của những chủ đầu tư bất động sản mới là Phú Mỹ Hưng, Văn Phú Invest và Bất động sản An Gia đã đẩy bay một số doanh nghiệp lớn từng nhiều năm liền án ngữ trong bảng xếp hạng. Đây được coi là sự “lột xác” của bảng xếp hạng trong năm nay. Riêng “ông lớn” Vinhomes vẫn chắc chân ở top 1 kể từ năm 2019 tới nay.
Danh sách top 10 năm ngoái lần lượt thuộc về: Công ty cổ phần Vinhomes, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland), Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Bất động sản Bim, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land và Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô.
Chưa thể lạc quan về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới
Theo Vietnam Report, kết quả nghiên cứu này được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành bất động sản với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua.
Theo báo cáo, năm 2023 sẽ là điểm rơi đáo hạn trái phiếu bất động sản khi số lượng trái phiếu đáo hạn là khoảng hơn 119.000 tỷ đồng. Như vậy, sức ép tài chính đối với doanh nghiệp bất động sản đang rất lớn.
Trong năm qua, để đối phó với tình trạng thiếu hụt dòng tiền, 55,2% số doanh nghiệp bất động sản tham gia khảo sát của Vietnam Report lựa chọn giải pháp vay từ các ngân hàng thương mại, tăng 4,1% so với năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến sẽ thắt lưng buộc bụng, tiết giảm chi phí hoạt động tăng lên mạnh nhất, với 41,4% doanh nghiệp sẽ sử dụng giải pháp này. Tỷ lệ doanh nghiệp huy động từ kênh trái phiếu giảm mạnh từ 24,4% xuống còn 1,1%.
Theo Vietnam Report, Chính phủ đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ trái phiếu đúng hạn bằng việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định 08/2023 cùng với Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022 được coi là những nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông dòng vốn trái phiếu cho thị trường bất động sản xuyên suốt giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, năm 2023 với những khó khăn tồn đọng từ giai đoạn trước như: nguồn vốn bị tắc nghẽn, bất cân xứng cung cầu, chồng chéo các vấn đề pháp lý và tác động của suy thoái kinh tế thì triển vọng phát triển của ngành bất động sản trong thời gian tới là chưa lạc quan.