Đa phần các ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận 10-15%
Theo kế hoạch, trong tháng 4 này sẽ có 25 ngân hàng tổ chức đại hội nhà đầu tư thường niên. Hiện phần lớn các nhà băng đều đã chốt thời gian và địa điểm diễn ra đại hội.
Giống như các năm trước đây, tại đại hội năm nay, các nhà băng sẽ thảo luận về kết quả kinh doanh năm 2022, vấn đề chia cổ tức, phương hướng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, tăng vốn điều lệ, bầu chọn các nhân sự chủ chốt cho nhiệm kỳ mới và những thương vụ sáp nhập…
Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận đa phần từ 10-15%. Duy nhất chỉ có một nhà băng lên kế hoạch lãi cao nhất 20%.
Giống như mấy năm trở lại đây, năm nay, VIB tiếp tục tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sớm nhất toàn ngành và cũng là ngân hàng đầu tiên chốt phương án chia cổ tức năm 2022.
Theo đó, cổ đông nhà băng này đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 35% bao gồm 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt. Trước đó vào ngày 3/3 vừa qua, VIB đã ứng trước cổ tức bằng tiền mặt 10%. Ngày 5/5 tới đây, VIB sẽ thực hiện chi trả 5% còn lại.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay của ngân hàng. Theo đó, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VIB dự kiến sẽ đạt 12.200 tỷ, tăng 15,3%, thấp hơn mức tăng 31,1% của năm 2021.
Mới đây nhất, trong tài liệu vừa gửi tới cổ đông trước thềm đại hội, MB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Đặc biệt, ngân hàng sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.
Một nhà băng khác vừa qua cũng đã chốt kế hoạch kinh doanh năm 2023 là NamABank . Theo đó, ngân hàng này kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 14,6%, thấp hơn mức 25,1% năm 2022.
Tại VPBank , Hội đồng Quản trị ngân hàng này đề xuất lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 24.003 tỷ đồng, tăng 13%. Trong khi thực tế năm 2022, lợi nhuận VPBank tăng trưởng đến 47,7%.
Hiện VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, nhà băng này dự kiến tổng tài sản sẽ tăng trưởng từ 5-10%; nợ xấu khống chế dưới 1,8%; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số thanh khoản. Tuy nhiên, chỉ tiêu dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, cổ tức vẫn chưa được tiết lộ cụ thể và phải chờ chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
Một số nhà băng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn 10% có thể kể đến như MSB (9%); PGBank (4,8%).
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng đã công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2023, duy nhất chỉ có Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.
Cụ thể, năm 2023, nhà băng này kỳ vọng sẽ đem về lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ, tăng 35% so với năm trước. Trước đó, tại đại hội cổ đông bất thường lần 2 diễn ra sáng 14/2/2023, bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT tiết lộ, các kế hoạch kinh doanh năm 2023 đều đã được triển khai và đã có một số tín hiệu lạc quan.
Ngoài ra, hiện có 2 ngân hàng đang có kế hoạch kinh doanh đi lùi là Techcombank và NCB.
Cụ thể, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 22.000 tỷ, giảm 14% so với năm trước.
NCB lại kỳ vọng lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại năm 2023 là 16 tỷ. Trong khi đó thực tế thực hiện của chỉ tiêu này trong năm 2022 là 41,2 tỷ.
Mức lợi nhuận 20% của năm nay là quá cao?
Liên quan đến các kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay, tại chương trình “Mùa đại hội tìm cơ hội” do Công ty Chứng khoán MBS tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước không còn quá hạn chế trong việc tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng đang đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm trước.
Theo ông Tuấn, thực tế thời gian qua cũng đã phản ánh phần nào câu chuyện này. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 2,06%, thấp hơn so với mức 4,03% của cùng kỳ năm ngoái.
Ông Tuấn dự báo, trong năm nay, những ngân hàng có danh mục cho vay bất động sản nhiều còn có thể phải ghi nhận tăng trưởng tín dụng kém khả quan hơn.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cũng được các ngân hàng thiết lập thận trọng hơn.
“Năm nay chúng ta sẽ không thấy ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30-40%. Chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đã là rất kinh khủng”, ông Tuấn đánh giá.