Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 tại Hà Nội.

Theo tờ trình được công bố, năm nay, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Ngân hàng dự kiến tín dụng năm nay tăng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.

Một số chỉ tiêu của Techcombank sẽ trình Đại hội cổ đông tại cuộc họp ngày 22/4 tới.

Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận như trên, Techcombank là ngân hàng đầu tiên đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi năm nay. 

Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ (yoy), đạt 95% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần +13,5% yoy và thu nhập ngoài lãi + 2,3% yoy, tốc độ tăng trưởng đều giảm tốc so với sự bùng nổ của năm 2021 (với tăng trưởng 42% và 25% trong năm 2021).

Đáng chú ý, việc đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi của Techcombank trong năm 2023 không ngoài dự báo của các công ty nghiên cứu chứng khoán và tổ chức xếp hạng ngân hàng.

Cụ thể, trong báo cáo “Còn nhiều thách thức trong ngắn hạn” phát hành đầu tháng 3 vừa qua, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đưa ra nhận định “kém vui” về hoạt động của Techcombank trong năm 2023 khi ngân hàng này “dựa hơi” quá nhiều vào thị trường bất động sản và việc “ôm” trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Theo VCBS, với 41.015 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 9% tổng danh mục tín dụng; trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng.

“Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và sẽ cần thêm thời gian để hồi phục trở lại. Vì vậy, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ các hoạt động trái phiếu của TCB trong ngắn hạn”, VCBS nhận định.

Liên quan đến hoạt động của ngân hàng này, mới đây, Moody's đã hạ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3. Đồng thời, xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh từ Ba2 xuống Ba3, xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) xuống Ba2 từ Ba1 và đánh giá rủi ro đối tác LT (CR) xuống Ba2(cr) từ Ba1(cr).

Cơ quan này cũng quyết định hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực đối với xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngân hàng LT FC và LC của Techcombank.

Moody's cho biết, việc hạ bậc xếp hạng của Techcombank phản ánh kỳ vọng của cơ quan này rằng áp lực mà ngành bất động sản Việt Nam phải đối mặt sẽ tác động tiêu cực đến sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng, do Techcombank có mức độ rủi ro cao đối với lĩnh vực này.

Ngoài nội dung trên, một nội dung đáng chú ý khác được trình cổ đông là ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất duy trì số tiền này dưới dạng lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, Techcombank sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này sẽ phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng một đơn vị. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của nhà băng. Nếu được thông qua, đây là năm thứ 6 liên tiếp Techcombank phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên.