Ảnh minh hoạ.

Cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục nóng khi các ngân hàng liên tục thay đổi biểu lãi suất niêm yết. Trong đó, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6 tháng lên vùng 9 – 10%/năm, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ ngày 28/11, với mức lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 6 tháng lên tới 9,9%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi online, nhận lãi cuối kỳ.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank), khách hàng cá nhân cũng được hưởng lãi suất 9,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi online. Trong khi kỳ hạn 13 tháng có lãi suất lên tới 10,5%/năm.

Từ ngày 24/11, Ngân hàng số Cake by VPBank huy động tiền gửi 6 tháng với lãi suất ở mức 9,5%/năm, chỉ thấp hơn 0,2%/năm so với mức lãi suất cao nhất là 9,7% dành cho các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng.

Cũng với hình thức gửi tiền trực tuyến, GPBank đang áp dụng mức lãi suất 9,3% và MSB là 9,2%/năm cho kỳ hạn nửa năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi Kienlongbank, PGBank, VietBank và BaoVietBank huy động lãi suất tối đa là 9,1% cho kỳ hạn này.

Đáng chú ý, một ngân hàng tư nhân lớn là Techcombank cũng có mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 6 tháng lên tới 9% dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng dao động 8,4 – 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Tương tự, OceanBank và OCB cũng triển khai mức lãi suất 9%/năm dành cho kỳ hạn gửi 6 tháng. Trong khi nhiều nhà băng khác cũng đã đẩy lãi suất huy động 6 tháng mấp mé mức 9%/năm như VPBank (8,9%) hay Nam A Bank (8,9%).

Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

Nhìn chung, lãi suất huy động cho kỳ hạn này đã tăng khoảng 3,5 – 4%/năm với cuối năm 2021 và cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn nhiều so với tín dụng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Giới phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.

Theo chứng khoán MB (MBS), lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tính từ đầu tháng 11 ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh. Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường ở mức cao.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng đựợc xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nước có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

''Việc mặt bằng lãi suất tăng cao trong một thời gian rất ngắn tiềm ẩn những rủi do với hệ thống tài chính đặc biệt phải kể đến rủi ro thanh khoản nếu không đựợc theo dõi, đánh giá sát sao'', VCBS lưu ý.

Quang Hưng