sacombank-20221121-1126.jpg

Trong 9 tháng đầu năm nay, 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận 192.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Quý 3/2022: Lợi nhuận tăng trưởng tích cực với NIM được duy trì tốt hơn kỳ vọng

Lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 của nhóm ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) duy trì mức tăng trưởng hai con số, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Nhìn chung, biên lãi ròng (NIM) ổn định, thu nhập phí thuần giảm tốc so với quý trước và chi phí dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát.

Lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng trung bình 30 điểm cơ bản (bps) so với quý trước và tăng 43 bps tại các ngân hàng tư nhân. Lãi suất cho vay trung bình tại hai nhóm ngân hàng này lần lượt tăng 31 bps và 39 bps so với quý trước.

Lãi suất cho vay và tiền gửi trung bình vẫn chưa đạt đến mức trước Covid-19 nhưng cách biệt đang dần thu hẹp xuống 70 bps và 125 bps. SSI Research dự báo sẽ quay trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2023.

Ngoài ra, chênh lệch tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) khiến NIM có xu hướng phân hóa giữa các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước chứng kiến NIM giảm 5 bps so với quý trước (xuống 3,1%) nhưng tăng 33 bps (lên mức 5,68%) ở các ngân hàng tư nhân, đặc biệt là tại Sacombank sau khi đã xử lý xong các khoản lãi dự thu tồn đọng.

Thu nhập phí thuần tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Thu nhập phí thuần đã phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 37% YoY nhưng đã chững lại so với quý trước. Ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, thu nhập từ phí thanh toán kém khả quan hơn do các chương trình miễn phí chuyển khoản và thu nhập từ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trở thành nguồn đóng góp chính vào của thu nhập thuần hoạt động dịch vụ.

Mặt khác, hoạt động bancassurance tại các ngân hàng tư nhân thường được triển khai nhiều dưới hình thức bán chéo qua kênh tín dụng và đã giảm tốc khi hạn mức tín dụng bị thắt chặt. Mặc dù một số ngân hàng cũng đang mở rộng hoạt động bán bảo hiểm thông qua khách hàng gửi tiền nhưng điều này cũng chưa hiệu quả trong thời gian vừa qua do tốc độ tăng tiền gửi còn chậm và tình hình này có thể kéo dài đến hết năm 2022. Doanh thu phí bảo hiểm có thể hồi phục rõ hơn vào đầu năm 2023 các ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng mới.

Giảm áp lực trích lập dự phòng do một số ngân hàng lớn đã trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do Covid-19 vào năm 2021 nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lũy kế đã giảm 1,5%.

chenh-lech-tien-gui-cho-vay-1138.jpg

Chênh lệch giữa huy động vốn và dư nợ tín dụng (Đơn vị tính: ngàn tỷ đồng).

Bảng cân đối kế toán đang có dấu hiệu yếu đi

Các chỉ tiêu thanh khoản là tâm điểm chú ý. Trên thị trường 1, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dung (11,4% so với đầu năm) vượt xa đáng kể so với tăng trưởng tiền gửi (4,8% so với đầu năm). Điều này diễn ra ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi ở mức 300-400 bps so với đầu năm. Hiện tại, mức lãi suất huy động phổ biến của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt dao động trong khoảng 8-9% và 10-10,5% tại các ngân hàng tư nhân.

Thị trường liên ngân hàng là kênh hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng với Agribank, Vietcombank là những ngân hàng cho vay ròng lớn nhất trên thị trường này. SSI Research cho biết, hiện nay, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng bị suy giảm và điều này đã ảnh hưởng đến thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này.

Khi đánh giá tính thanh khoản của ngân hàng, SSI Research chỉ có thể đánh giá qua tỷ lệ LDR thuần và tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao trên tổng tài sản. Đối với các tài sản có tính thanh khoản cao cho thấy tỷ lệ số dư trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản và tỷ lệ số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước trên tổng tài sản đã giảm so với đầu năm. Hiện các tỷ lệ này gần bằng mức của năm 2011-2012.

SSI Research cho rằng, các tỷ lệ thanh khoản sẽ được củng cố trong ngắn hạn, với việc tăng cường huy động vốn và tăng cường phân bổ cho các tài sản có tính thanh khoản cao… Trở ngại lớn nhất đối với quá trình này đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Hiện thanh khoản đang bị mắc kẹt ở cả các khoản cho vay nhóm ngành này, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu. Để thu hút thêm nguồn vốn từ tiền gửi của khách hàng, việc tiếp tục tăng thêm lãi suất dường như là khó tránh khỏi.

ty-trong-cho-vay-1138.jpg

Tỷ trọng dư nợ theo các lĩnh vực chính. Dữ liệu tại ngày 31/12/2021.

Chất lượng tài sản xấu đi khi giai đoạn tái cấu trúc nợ do Covid-19 kết thúc. Chất lượng tín dụng trong quý 3 cho thấy kết quả không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên (1,47%, tăng 20 bps so với đầu năm và 8 bps theo quý), trong khi tỷ lệ dự phòng giảm (164% so với 165% vào cuối quý 2). Các khoản vay nhóm 2 cũng tăng 23 bps lên 1,45%.

Nợ xấu gia tăng là do các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã hết hạn cơ cấu. Tổng dư nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã giảm 33% theo quý và giảm 58% so với đầu năm. Với việc một phần dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng nhanh trong quý 3. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện vẫn thấp hơn so với những giai đoạn bùng phát Covid-19.

SSI Research nhấn mạnh: Tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 3/2022. Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai, nên các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023.

Tình hình tài chính của các công ty niêm yết (không bao gồm các chủ đầu tư bất động sản và các hãng hàng không), đang xấu đi sau quý 1 năm 2022. Thực trạng này sẽ dần được phản ánh vào chất lượng tín dụng, đặc biệt với diễn biến của lãi suất cho vay.

Nguyễn Như