Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MSB vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Theo đó, đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 278,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 156,16 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,7% trong khi tiền gửi khách hàng ở mức hơn 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng theo đó lên tới 113%.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tại ngày 31/3, tổng nợ xấu nội bảng của MSB đã lên tới 4.959 tỷ đồng, tăng 15,8% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nghi ngờ (tăng 30%) và nợ có khả năng mất vốn (tăng 21,2%).
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó bị kéo mạnh từ mức 2,87% hồi đầu năm lên 3,17% khi kết thúc quý I.
Về kết quả kinh doanh, tín dụng vẫn đóng vai trò nòng cốt khi mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần gần 2.366 tỷ đồng, tăng 9,6% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.
Mảng dịch vụ mang về khoản lãi thuần 300 tỷ đồng, tăng 11,5% trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt lãi thuần 592 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, một số mảng kinh doanh khác của ngân hàng có dấu hiệu đi xuống, trong đó, hoạt động khác ghi nhận lỗ tới hơn 155 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước mảng này lãi tới 146 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh cũng lỗ 263 triệu đồng trong khi lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh tới gần 90%, còn hơn 16 tỷ đồng.
Tổng chi phí hoạt động trong kỳ tăng 11,6%, lên 2.070 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 35%, lên hơn 540 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc quý I/2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.530 tỷ đồng tăng nhẹ 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức mới đây, cổ đông MSB đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178,2 nghìn tỷ đồng./.