Sàn thương mại điện tử: Doanh thu lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng

Số liệu được nền tảng Metric thu thập cho thấy, doanh số của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, và Tiktok Shop tăng gần 55% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm 2024, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu ghi nhận doanh số gần 144.000 tỷ đồng, tăng trưởng chủ yếu dựa vào TikTok Shop, Shopee. Trong khi đó, Lazada, Tiki, Sendo đi lùi.

Theo Metric, mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm trực tiếp sang trực tuyến vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Mức tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của 2 sàn Shopee và Tiktok Shop. Nền tảng non trẻ nhất là TikTok Shop ghi nhận tăng trưởng tới 150% về doanh số và 242% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng của Shopee ở mức 65%. 

Mua bán tấp nập trên sàn thương mại điện tử: Bài toán hóc búa bảo vệ người tiêu dùng và chống thất thu thuế - ảnh 1

Các số liệu thống kê và dự báo từ năm 2019 đến năm 2024 cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 3,8%/năm; doanh thu bán lẻ thương mại điện tử tăng 15%. Tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ tăng 23,4%.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có số lượng người dùng internet cao, trong đó số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và người dùng mạng xã hội lớn đã tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.

Thực tế cũng cho thấy, với số lượng người dùng internet lớn khiến hàng loạt sàn thương mại điện tử ra đời. Chưa kể, việc tham gia của mạng xã hội đã giúp dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên facebook, zalo… cũng trực tiếp thúc đẩy việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.

Có thể nói, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Tăng cường đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ người dùng

Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024).

Trước đó, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - đây cũng chính là sự kiện nổi bật hằng năm do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện liên tục từ năm 2016 tới nay.

Ngoài ra, năm 2024, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” với thông điệp “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” tiếp tục được triển khai nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hàng rào pháp lý đã có, tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã nảy sinh một số vướng mắc về quy định, chẳng hạn như quyền hạn, nguồn lực để thực thi chưa cụ thể, chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh dựa trên nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT hoặc các nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) hoặc các tổ chức khác có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Nhiều ý kiến cho rằng, với các nội dung trên khi được áp dụng trên cơ sở các sàn thương mại điện tử phải khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ giúp tăng trách nhiệm liên quan và đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Các nền tảng cạnh tranh nhau quyết liệt

Môi trường cạnh tranh cũng là một trong những thách thức mà ngành quản lý thương mại điện tử Việt Nam phải đối mặt.

Theo nghiên cứu của iPrice Group và SimilarWeb: tổng kết lượng truy cập website trung bình của các sàn TMĐT Đông Nam Á năm 2020 thu được kết quả có đến năm doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng top 10 khu vực. Các doanh nghiệp lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop. Bên cạnh đó là hai ông lớn Shopee, Lazada.

Mua bán tấp nập trên sàn thương mại điện tử: Bài toán hóc búa bảo vệ người tiêu dùng và chống thất thu thuế - ảnh 2

Hiện tại, các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thị trường như Shopee, Lazada… hầu hết trong số họ là các công ty có vốn nước ngoài đáng kể. Việc cạnh tranh với hai đối thủ này quả thực rất khó khăn đối với các nền tảng thương mại điện tử của các công ty quốc gia như Tiki, FPT, thegioididong…

Vấn đề thuế là bài toán hóc búa

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế được đánh giá là cấp thiết nhằm mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là khi thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số ngày càng bùng nổ.

Sự phát triển này đặt ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý thuế. Làm thế nào để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại là câu hỏi được đặt ra từ khá lâu. Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia quan tâm tìm lời giải cho câu hỏi này nhằm đảm bảo rằng chính phủ có thể thu thuế một cách hiệu quả hơn từ các hoạt động thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ, vốn dĩ rất dễ bị lợi dụng để lách thuế do tính phi tập trung của chúng.

Theo Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là 1,98 triệu tỷ đồng; số thuế đã nộp gần 55.000 tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 6 tháng năm 2023; có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

Hiện có khoảng 163.000 cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng trên khoảng 400 sàn thương mại, trong đó tập trung vào 5 sàn lớn. Pháp luật về thuế đang áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau đối với 4 nhóm sản phẩm hàng hóa. Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh lại kinh doanh nhiều mặt hàng. Vì vậy, nếu sàn thương mại điện tử phải kê khai thay người bán thì rủi ro kê khai sai rất cao, đẩy trách nhiệm pháp lý này từ người kinh doanh sang sàn thương mại điện tử.

Một số chuyên gia đề xuất giải pháp yêu cầu sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin, doanh thu của người bán cho cơ quan thuế. Điều này giúp cơ quan thuế có thể tự xác định và thu thuế từ người bán mà không cần phải yêu cầu sàn thương mại điện tử trực tiếp thu thuế.

Việc báo cáo thông tin định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu được coi là giải pháp an toàn cho cả 2 phía vì lý do an toàn hệ thống, hạn chế rủi ro sập máy chủ, nghẽn mạng, mất dữ liệu…, đồng thời không cần thiết phải đầu tư lớn chỉ để kết nối trực tuyến với cơ quan thuế.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ với người tiêu dùng. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có thương mại điện tử ở mức cao và liên tục tăng hàng năm. Nếu muốn phát triển hơn trong lĩnh vực Thương mại điện tử, thì các doanh nghiệp cần khắc phục những vấn đề mà sàn thương mại điện tử Việt Nam có thể gặp phải trong những năm tới./.