rut-tien-mat_2201100601-1637.jpg

NHNN thời gian qua cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên.

TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn quan trọng nhất vẫn là tín dụng ngân hàng, tín dụng đã tăng trưởng 12%, cung ứng ra nền kinh tế gần 1,4 triệu tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn. Ngành ngân hàng ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế còn phải bảo đảm ổn định dòng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ông Quang phân tích.

Theo ông Quang, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác, quan trọng là nguồn vốn nào sẽ trở thành kênh dẫn nước cho doanh nghiệp. Do đó, chúng ta có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Có điều, ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Nguồn vốn tín dụng không phải để cấp phát như nguồn vốn ngân sách và không hạ được điều kiện tín dụng để cho vay. Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền.

Mới đây, NHNN một mặt vẫn nới room tín dụng, gần đây NHNN đã nới 1,5%-2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5-16%. Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4% và đây là một thách thức.

Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng.

Ở Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung - cầu tín dụng và NHNN luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.

Thời gian qua, NHNN cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, có 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hoạt động xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành ngân hàng Thành phố thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… để hỗ trợ doanh nghiệp. Tinh thần là doanh nghiệp nào vay được hoặc không vay được đều phải trả lời rõ ràng cho doanh nghiệp biết.

Riêng về chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, tổng gói kết nối ngân hàng và doanh nghiệp khoảng 443.000 tỷ đồng, gắn liền với chính sách như năm 2021-2022 là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… Đến nay, đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số cam kết ở trên và chương trình sẽ được tiếp tục thực hiện trong những ngày còn lại của năm nay, thậm chí có thể vượt số đăng ký 443.000 tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông tin, đến đầu tháng 12, ngân hàng VitinBank đã cung ứng hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng hơn 120.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng khoảng 10,7% so với đầu năm). Lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu.

Riêng về room tín dụng, dịp này VietinBank được tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng, góp phần đáp ứng kịp thời về vốn cho doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của NHNN, VietinBank đã rà soát, thiết kế những sản phẩm phù hợp doanh nghiệp với chi phí lãi vay hợp lý đáp ứng vốn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Minh Vân