Theo quyết định mới của Chính phủ, toàn bộ các phương tiện giao thông sẽ chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh từ năm 2050.

Ngày 22/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Còn có tên gọi tắt là Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, chương trình này nhằm mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

giao_thong_20200924162102.jpg Ô tô sẽ dần chuyển đổi theo hướng điện hóa và sử dụng năng lượng xanh.

Trong đó, có 2 mục tiêu theo giai đoạn thực hiện cụ thể: Từ nay đến năm 2030 là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải; giai đoạn 2 đến năm 2050 là chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thông tin đáng chú ý của lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Quyết định này, từ nay đến năm 2030, Chính phủ sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng điện (tức gồm xe thuần điện và xe Hybrid). Ngoài ra, mở rộng phối trộn và sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông đường bộ.

Đến năm 2040, Chính phủ sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Và tiến tới năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe/máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

vinfast_vf_8_1_20220428160302_20220616222307.jpeg Không phủ nhận: Xe điện sẽ là tương lai của phương tiện giao thông, nhưng để Xe điện thực sự XANH đòi hỏi nhiều yếu tố.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi, Chính phủ cũng đưa ra các kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh và nâng hiệu quả sử dụng năng lượng; trong đó, nổi bật là việc ưu tiên hoàn thành 5.000 km đường cao tốc trong giai đoạn tới, cả nước hiện có 1.163km đường bộ cao tốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính; đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đây là một bước chuyển đổi tương tự nhiều quốc gia trên toàn cầu trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Các quốc gia châu Âu đang đi đầu về quá trình này, với việc Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) vừa ủng hộ việc giảm 100% khí thải CO2 trên các xe mới từ năm 2035, chấm dứt việc bán ra các dòng xe trang bị động cơ đốt trong (kể cả xe Hybrid).

Trong đó, mạnh mẽ nhất là Na Uy khi quốc hội của nước này đặt kế hoạch tất cả các xe mới bán ra đều phải đạt tiêu chuẩn không phát thải khí nhà kính từ năm 2025. Hiện tại, hơn 90% số lượng xe mới bán ra tại Nauy đã là xe điện hoặc Hybrid.

1_20220725122114.png

Hoàng Nguyễn