Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong năm nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Theo báo cáo được công bố ngày hôm qua, trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng tới 43,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, nếu như năm 2021, doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 316 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì kết thúc năm 2022 con số này đã tăng lên 453 tỷ đồng.
Theo công bố, không chỉ lợi nhuận sau thuế tăng, trong năm qua, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng nhẹ từ mức 13.978 tỷ đồng của năm 2021 lên con số 14.437 tỷ đồng khi kết năm 2022.
Đáng chú ý, cùng với việc tăng của vốn chủ sở hữu thì hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh, từ mức 2,11 kết năm 2021 lên 2,47 lần vào cuối năm 2022.
Hiện doanh nghiệp này đang có mức dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,49 lần vào cuối năm 2022, giảm nhẹ so với con số 0,54 lần vào cuối năm 2021.
Liên quan đến việc này, trước đó, ngày 30/3 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Theo đó, Vietracimex đã trả lãi trái phiếu các mã: WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009 vào ngày 29/3/2023, chậm một ngày so với ngày thanh toán kế hoạch là 28/3/2023, nguyên nhân là do tổ chức phát hành chưa thu xếp đủ nguồn vốn.
Tiếp đó, vào ngày 15/5, Viettracimex tiếp tục công bố thông tin điều chỉnh lãi suất các lô trái phiếu, gồm: VIETRACIMEX_BOND2018_01, VIETRACIMEX BOND2018_6, WTO_BOND2019_02, WTOCH2126001, WTOCH2126002, WTOCH2125004 (đợt phát hành 1), WTOCH2125004 (đợt 2), WTOCH2126005, WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008, WTOCH2126009, WTOCH2126010, WTOCH2126011 và sửa đổi một số điều kiện điều khoản trái phiếu tương ứng liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất nêu trên.
Vietracimex được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của dự án Kim Chung – Di Trạch tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Năm 2004, Thủ tướng cho phép thí điểm cổ phần hóa một số tổng công ty, trong đó có Vietracimex. Đến giữa năm 2006, tổng công ty này hoàn tất cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó ông Võ Nhật Thăng nắm 93,37% vốn điều lệ.
Quá trình cổ phần hoá, năm 2016, Vietracimex bị Thanh tra Chính phủ kết luận là phạm nhiều khuyết điểm, vi phạm, tuy nhiên không đến mức xử lý hình sự.