Ảnh minh hoạ.
Nhiều năm trước, tình trạng ngân hàng sân sau rộ lên ít nhiều đã gây ra hệ lụy. Vốn do ngân hàng huy động thay vì cho cá nhân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề vay lại tập trung vào số ít doanh nghiệp của "ông chủ" ngân hàng đó.
Vì người nhà nên việc cấp tín dụng nhiều lúc dễ dãi, không có tài sản thế chấp, không quản lý dòng tiền... Điều này trái với nguyên tắc của ngân hàng là phân tán rủi ro, không dồn vốn vào một vài ngành, vài doanh nghiệp, để lỡ họ có khó khăn, nợ xấu không dềnh lên.
Vì thế từ hơn chục năm trước, Luật tổ chức tín dụng đã quy định rất chặt để ngăn tình trạng ngân hàng sân sau.
Luật ràng buộc rất nhiều, nhưng hiểu đơn giản là anh đang nắm vị trí có quyền quyết định ở ngân hàng, đừng nghĩ đến vay vốn ở ngân hàng đó. Và cho đến nay, việc ngăn chặn ngân hàng sân sau hay cấp tín dụng cho người nhà vẫn luôn được giám sát và cảnh giác cao.
Mới đây, ngày 8/2/2023, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản. Chủ trì hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi đề cập đến vấn đề này đã nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
“Nếu tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này”, Thống đốc khẳng định.
Mặc dù vậy, hiện nay một số ngân hàng vẫn ngang nhiên cho công ty sân sau của lãnh đạo cấp cao vay vốn. Trường hợp ở Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là một trong số đó.
Cụ thể, ngày 28/12/2021, Công ty cổ phần Gateway Thủ Thiêm ký hợp đồng tín dụng với OCB – Chi nhánh TP.HCM. Tài sản đảm bảo là “Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng mua bán bất động sản số 01/2021/HDMB/QLP-GWTT ngày 20/12/2021 được ký kết giữa Công ty Cổ phần Gateway Thủ Thiêm và Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát”.
Ít ai biết Công ty cổ phần Gateway Thủ Thiêm (Công ty Gateway Thủ Thiêm) có liên quan đến gia đình Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông ông Trịnh Văn Tuấn.
Doanh nghiệp này chính là chủ đầu tư tòa cao ốc văn phòng hạng A có tên thương mại The Hallmark với tổng diện tích sàn 68.000 m2 tại Thủ Thiêm.
Gateway Thủ Thiêm thành lập ngày 30/12/2020 tại Tầng 1, Tòa nhà Packsimex, 52 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh với người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Hải.
Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Trịnh Văn Tuấn (sở hữu 60% vốn), bà Cao Thị Quế Anh (sở hữu 30% vốn) và Trịnh Mai Linh (sở hữu 10% vốn).
Không chỉ là cổ đông tại Gateway Thủ Thiêm, bà Cao Thị Quế Anh còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty trước khi chuyển giao cho ông Đào Duy Hải.
Bà Cao Thị Quế Anh là vợ ông Trịnh Văn Tuấn. Còn Trịnh Mai Linh là con của cặp vợ chồng đại gia này. Có thể thấy, gia đình ông Tuấn nắm 100% tại Gateway Thủ Thiêm.
Đáng chú ý, không chỉ cho công ty gia đình Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn vay vốn, OCB còn rót vốn cho nhiều công ty "người quen" của vị chủ tịch này, là ông Đào Duy Hải.
Như đã nêu trên, hiện tại, ông Đào Duy Hải đã thay thế bà Cao Thị Quế Anh để trở thành Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Gateway Thủ Thiêm. Mà ông Đào Duy Hải từng là Trưởng ban kiểm soát ở Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISecurities), nơi ông Trịnh Văn Tuấn từng là Chủ tịch HĐQT.
VISecurities được góp vốn bởi các cổ đông là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và 8 cá nhân, trong đó có ông Trịnh Văn Tuấn. Thời điểm đó, ông Tuấn đang là Chủ tịch VIB. Đồng thời, ông Tuấn kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch VISecurities. Sau đó, ông Tuấn rời VIB và VISecurities để sang OCB.
Ông Đào Duy Hải không chỉ là người đại diện pháp luật cho công ty của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn mà còn đại diện cho hàng loạt công ty khác như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thịnh Thịnh Vượng, Công ty cổ phần Đầu tư Bình An House, Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn Du lịch và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Long Thành Phát.
Trong đó, Bình An House được biết tới là công ty mẹ của Gateway Hà Nội, chủ nhân mới của tòa tháp 265 Cầu Giấy (từng được FLC thế chấp để cấn trừ nợ tại OCB).
Liên quan đến ông Đào Duy Hải, ngày 25/3/2020, OCB – Chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tín dụng với Thịnh Thịnh Vượng. Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ lợi ích thu được từ quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư tại Công ty TNHH MTV Địa ốc Cao Su Đồng Nai”.
Ngày 22/4/2020, hai bên tiếp tục ký hợp đồng. Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ phần vốn góp của Bên thế chấp tại Công ty TNHH Một Thành Viên Địa ốc Cao Su Đồng Nai và toàn bộ thành quả, lợi nhuận, lợi tức và tất cả các quyền tài sản khác hình thành trong tương lai phát sinh từ phần vốn góp trên”.
Năm 2017, OCB – Chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn. Tài sản đảm bảo là 11 hợp đồng tiền gửi. Ngày 13/5/2015, OCB – Chi nhánh Đăk Lăk ký hợp đồng với Bình An House (khi đó là Công ty cổ phần Cà phê Phương Đông). Tài sản đảm bảo là hàng hóa cà phê.
Về hoạt động của OCB, theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2022, OCB đã đẩy mạnh khoản dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 1.067 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 4.389 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước, cách xa mục tiêu đã đề ra là 7.110 tỷ đồng.
Cụ thể, kết thúc quý 4/2022, OCB đạt 1.740 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, xấp xỉ với con số cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của OCB tiếp tục tăng trưởng hơn 19% đạt 1.827 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng gần 23% mang về gần 388 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 73% mang về gần 80 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đột biến mang về hơn 316 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, mảng mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả, cả năm 2022, OCB đã ghi nhận sự tăng trưởng thu nhập lãi thuần so với năm trước đạt 6.948 tỷ đồng tăng 21%.
Riêng đối với mảng dịch vụ - một trong những mảng đem lại nguồn lợi nhuận chính cho ngân hàng cũng đạt kết quả khả quan với thu thuần dịch vụ năm 2022 tăng 29% so với năm 2021, đạt 1.014 tỷ đồng.
Trong năm 2022, thu thuần phí của thẻ tăng 122% so với cùng kỳ, doanh số giao dịch thẻ tăng trưởng 83% so với năm 2021. Và thu nhập kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng 23%, dịch vụ quản lý tài khoản tăng 55%.
Mặc dù vậy, trong năm 2022 ngân hàng này đã đẩy mạnh khoản dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 1.067 tỷ đồng. Do đó, luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.389 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước.
Trước đó, OCB đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB kỳ vọng đạt 7.110 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, ngân hàng này vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt 193.994 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng huy động thị trường 1 đạt 137.403 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 19% so với năm 2021 đạt 122.792 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của ngân hàng này là với 2.671 tỷ đồng nợ xấu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. OCB đã tăng bộ đệm dự phòng thêm gần 42% với 1.582 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng tăng lên 2,23% so với đầu năm 2022 là 1,32%.
Nhìn vào bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý 2 vừa qua có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp có lợi nhuận đi lùi; trong khi đó, nợ vay thường cao gấp 2-3 lần vốn chủ sở hữu.
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 141.209 tỷ đồng. Gần 50% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 70.140 tỷ đồng.
Mức lãi suất dưới 10% thường được các ngân hàng áp dụng trong 3 - 6 tháng đầu của chu kỳ vay, dài nhất là 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, hầu hết các ngân hàng đều tính theo lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12-13,5%.
Vì là tăng trưởng mạnh dựa trên sự hưng thịnh của thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh được lợi từ hệ sinh thái liên quan đến bất động sản trong những năm qua, nên e ngại rằng, sự tăng trưởng của TCB cũng sẽ hãm lại trong những quý tiếp theo.
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đồng thời hỗ trợ các khách hàng, kể từ đầu tháng 8 này, lãi suất của nhiều ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Saigonbank… đã đồng loạt hạ.
Hiện mức độ tiếp xúc của ngành ngân hàng với bất động sản ngày càng tăng. Theo thống kê của NHNN, quy mô tín dụng vào ngành bất động sản (gồm cho vay và TPDN) hiện nay cao hơn đáng kể so với trước đây.
Nếu chỉnh giá vàng để bớt cong vênh, việc đánh giá lại tài sản của SJC sẽ khiến công ty có thể phải trích lập khoản không hề nhỏ.