Thứ 1 ngày 7 tháng 7 năm 2024 / 21:10

Sửa Luật Nhà ở: Nhiều kiến nghị liên quan nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Nhiều đại biểu phân tích và nêu ý kiến đối với các điều khoản liên quan đến nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)…
Sửa Luật Nhà ở: Nhiều kiến nghị liên quan nhà ở thuộc sở hữu nhà nước | Sửa Luật Nhà ở: Nhiều kiến nghị liên quan nhà ở thuộc sở hữu nhà nước | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) khi góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã phân tích sâu về Quy định về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Theo ĐB tỉnh Hải Dương, chế độ sở hữu là một chế định quan trọng của pháp luật về kinh tế và dân sự. Hiện nay tại Điều 53 Hiến pháp 2013 và Điều 197 Bộ luật Dân sự quy định các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước, đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Pháp luật hiện hành không quy định chế độ sở hữu nhà nước mà chỉ có sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên, ĐB cho biết, Dự thảo Luật Nhà ở trình Quốc hội lại quy định nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và được quy định tại mục 2 Chương I về sở hữu nhà ở và mục 2 Chương VIII về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

“Như vậy, về mặt khái niệm sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân, quy định của dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Hiến pháp cũng quy định rõ các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công. Vì vậy, đề nghị quy định rõ ràng hơn về vấn đề nhà ở hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công phải thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài sản công.” – ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa.

Bên cạnh đó, theo ĐB, Điều 15 dự thảo luật quy định về các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà ở để phục vụ tái định cư do nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua lại để bố trí tái định cư và nhà ở xã hội nhà nước đầu tư để cho thuê mua. Tuy nhiên, mặc dù do nhà nước đầu tư nhưng sau khi đã giao nhà cho người dân thuộc diện được bồi thường, bố trí tái định cư hoặc giao nhà cho người dân thuộc diện thuê mua sau khi đã hết thời hạn thuê thì sẽ thuộc quyền sở hữu của người được giao nhà.

“Trong trường hợp này, mặc dù vẫn là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư nhưng lại thuộc sở hữu của người dân. Vì vậy, đề nghị quy định rõ ràng nội dung này để áp dụng Luật Quản lý và sử dụng tài sản công hợp lý.” – ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa nói.

Phân tích về nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư, TS Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, Điều 51 dự thảo luật đã quy định 8 nguyên tắc trong phát triển nhà ở tái định cư, ĐB đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc là việc bố trí nhà ở tái định cư bên cạnh việc bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì cần phải bảo đảm các yếu tố văn hóa truyền thống. Riêng đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cần phải bảo đảm các điều kiện phục vụ những phong tục sinh hoạt hằng ngày của đồng bào.

ĐB đề nghị, quy định này cũng cần thể hiện rõ tại Điều 55 về yêu cầu đối với nhà ở phục vụ tái định cư, đây là quy định cần thiết để khắc phục hạn chế về việc hiện nay nhiều dự án nhà ở tái định cư được xây dựng không đáp ứng yêu cầu của người dân, dẫn đến người dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí tài sản nhà nước hoặc tình trạng đồng bào đến khu nhà ở tái định cư một thời gian lại quay trở về nơi ở cũ có điều kiện sinh hoạt thấp hơn rất nhiều.

Cũng quan tâm đến nhà thuộc sở hữu nhà nước, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại khoản 3 Điều 17 Dự thảo luật chưa có nội dung quy định về quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành nhà ở đối với đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở.

“Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 3 Điều 17 như sau: "Chính phủ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý, vận hành nhà ở trong việc thực hiện quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở" - ĐB Dương Tấn Quân nêu ý kiến.

Về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại Điều 123,ĐB Dương Tấn Quân cho biết, do hiện nay chưa có quy định cụ thể điều chỉnh trong thực tiễn đối với trường hợp nhà ở cũ đã thu hồi, chưa được bố trí sử dụng, vì vậy, ĐB đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 123 như sau: Việc bán nhà ở cũ chỉ thực hiện khi không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng và phải thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở. Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở cũ từ sau ngày 19/1/2007 hoặc nhà ở cũ đã thu hồi chưa được bố trí sử dụng thì được thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý trong thực tiễn đối với các khu tập thể có nhiều chủ sở hữu không thuộc sở hữu nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 7 như sau: Đối với khu nhà ở tập thể có nhiều tầng, nhiều hộ ở, có nhiều quyền sở hữu nhà ở thì thực hiện theo pháp luật về nhà ở chung cư, cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư thuộc sở hữu nhà nước.

Cũng tại Điều 123, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 8 quy định đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước có diện tích nhỏ hẹp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

“Bổ sung quy định này cũng nhằm để đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý thực tế tại các địa phương đối với các nhà ở cũ thuộc sở hữu của Nhà nước có diện tích đất nhỏ hơn 25m2 theo hướng là hợp thửa đất với các thửa đất liền kề.” – ĐB tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị, đối với quyền đại diện của chủ sở hữu được quy định ở Điều 17, bổ sung theo hướng quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu công đoàn Việt Nam được áp dụng theo quy định đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định phá dỡ nhà ở đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ĐB Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) cho biết, Khoản 2 Điều 134 dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá vỡ đối với nhà chung cư và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đối với các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét nội dung này vì theo ĐB, quy định như vậy được hiểu là tất cả các trường hợp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đều do UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá dỡ. Tuy nhiên, Điều 16 dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành, cơ quan trung ương khác và UBND cấp tỉnh đồng thời tại điểm c khoản 1 Điều 17 dự thảo luật quy định đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có quyền phê duyệt kế hoạch bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, ĐB kiến nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 134 của dự thảo luật theo hướng: UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phá vỡ đối với nhà ở chung cư, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có quyền phê duyệt kế hoạch phá dỡ nhà ở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 luật này, ban hành quyết định phá dỡ đối với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do mình làm đại diện chủ sở hữu. Đối với các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Theo: vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202306/sua-luat-nha-o-nhieu-kien-nghi-lien-quan-nha-o-thuoc-so-huu-nha-nuoc-64124b2/

Tin liên quan

  • Luật Kinh doanh bất động sản: Đại biểu nói “yêu cầu trung thực là vấn đề khó”

    Luật Kinh doanh bất động sản: Đại biểu nói “yêu cầu trung thực là vấn đề khó”

    Tại Khoản 3 (Điều 4) của Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS quy định nguyên tắc kinh doanh BĐS phải trung thực, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, trong kinh doanh, yêu cầu trung thực là vấn đề khó, không hoàn toàn theo đúng nguyên tắc thị trường.

  • Bắc Giang đấu giá 91 thửa đất khu đô thị

    Bắc Giang đấu giá 91 thửa đất khu đô thị

    Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Tân Yên đang phối hợp tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 91 lô đất ở tại Khu đô thị Đồng Chủ Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng và Khu Đô thị Chuôm Nho, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang).

  • Tỷ lệ hấp thụ cao chủ yếu diễn ra ở các dự án có giá bán phải chăng

    Tỷ lệ hấp thụ cao chủ yếu diễn ra ở các dự án có giá bán phải chăng

    Theo Savills, vì nhu cầu nhà ở cao nên việc bán hàng của các dự án giá vừa tầm vẫn diễn ra, tuy nhiên không đồng đều.

  • Định giá đất: Khó chọn phương án

    Định giá đất: Khó chọn phương án "có lợi nhất cho ngân sách nhà nước"

    Theo ĐB Trần Văn Khải, rất khó tính toán để lựa chọn một phương án nào có lợi nhất cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu NSNN không chỉ bao gồm thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà còn từ thu thuế do các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đất...

  • Sửa Luật Kinh doanh Bất động sản: Vừa phải thông thoáng, vừa phải chặt chẽ

    Sửa Luật Kinh doanh Bất động sản: Vừa phải thông thoáng, vừa phải chặt chẽ

    Phát biểu gợi ý thảo luận về dự án Luật Kinh doanh BĐS, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra yêu cầu vừa phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất để phát triển thị trường BĐS, vừa phải quản lý chặt chẽ thị trường BĐS....

  • TP. Hồ Chí Minh: Người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà

    TP. Hồ Chí Minh: Người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà

    Thị trường nhà ở cho thế hệ Millennials tại Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM, đang đối mặt với nhiều thách thức. Người trẻ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lựa chọn nhà ở phù hợp với tài chính và nhu cầu của mình. Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và S22M của Savills Việt Nam cho biết nguyên nhân chính là sự không cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu, cùng với việc chi phí sống tăng cao so với mức thu nhập.

  • Nghi vấn trục lợi làm sổ đỏ: Tạm đình chỉ công tác Chủ tịch và công chức địa chính xã Tam Đa

    Nghi vấn trục lợi làm sổ đỏ: Tạm đình chỉ công tác Chủ tịch và công chức địa chính xã Tam Đa

    Liên quan đến nghi vấn trục lợi làm sổ đỏ, UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Tam Đa và công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Tam Đa, để phục vụ công tác kiểm tra.

  • Hôm nay (19/6), Quốc hội thảo luận về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

    Hôm nay (19/6), Quốc hội thảo luận về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

    Theo Chương trình nghị sự, hôm nay (19/6), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Luật Nhà ở (có truyền hình trực tiếp) và thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản.

  • Nhà ở công nhân- phân khúc ngách hấp dẫn

    Nhà ở công nhân- phân khúc ngách hấp dẫn

    Nhà ở công nhân có vai trò giải quyết vấn đề nhu cầu nhà ở tại một số khu vực, đồng thời cung cấp điều kiện sống an toàn và tiện lợi cho các công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở đối với công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện được ghi nhận vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

  • Dòng tiền rục rịch quay trở lại thị trường bất động sản

    Dòng tiền rục rịch quay trở lại thị trường bất động sản

    Dù chưa thực sự sôi động nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự chuyển biến. Việc giảm lãi suất huy động của nhiều ngân hàng được kỳ vọng sẽ là động lực giúp dòng tiền sớm quay trở lại.