Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – VIB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 3/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 7.814 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng quý 3 đóng góp 2.791 tỷ đồng lợi nhuận, gấp đôi cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh từng mảng, tín dụng mang về cho VIB khoản thu nhập lãi thuần 11.051 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng trưởng 31,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 31,4%, lên 2.348 tỷ đồng trong khi lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần gấp đôi, lên 270 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoại hối kỳ này ghi nhận khoản lỗ lên tới 223 tỷ đồng, tăng lỗ tới 4,65 lần cùng kỳ trong khi mảng mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ gần 79 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ngân hàng vẫn lãi tới 95 tỷ đồng hoạt động này.

Tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng của VIB đạt 13.371 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% trong khi tổng chi phí hoạt động chỉ tăng 12%, lên 4.631 tỷ đồng và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần như đi ngang, ở mức 926 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng ở mức hơn 340,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10,1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 12,2%, đạt hơn 226,1 nghìn tỷ đồng, trong đó, tín dụng cho các hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 200 nghìn tỷ đồng; cho vay bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy ở mức hơn 6.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,7%; tín dụng tài trợ hoạt động kinh doanh bất động sản ở mức hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,89%,…

Về chất lượng cho vay, báo cáo cho biết, đến cuối tháng 9, ngân hàng VIB đang có tổng nợ xấu nội bảng là 5.307 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.419 tỷ đồng, tăng mạnh tới 83,4% so với đầu năm và chiếm 45,6% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của VIB tăng lên mức 2,35%, so với mức 2,32% hồi đầu năm.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VIB hiện vẫn ở mức tương đối thấp so với các ngân hàng khác trong hệ thống khi đến cuối tháng 9, tỷ lệ này mới chỉ đạt 54%, tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng mới chỉ có 0,54 đồng để dự phòng xử lý.

Báo cáo cũng cho biết, đến cuối tháng 9, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của VIB ở mức 49.531 tỷ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu do các TCTD khác trong nước phát hành là 16.929 tỷ đồng, tăng 29,8% trong khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp ở mức 2.130 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm.

Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu của VIB tăng mạnh tới 47,1% so với đầu năm, lên mức 2.732 tỷ đồng.

Ở phía Nợ phải trả, theo báo cáo, tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9 của VIB đã tăng 8,9% so với đầu năm, lên 189 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm 9,1%, xuống còn 22.938 tỷ đồng.

Trung Kiên