Bộ Tài chính thanh tra Vicem và 3 công ty con - ảnh 1

Thanh tra nhiều nội dung

Quyết định thanh tra số 179 vừa được Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường ký ban hành nêu rõ, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên.

Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề: quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, là việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên do ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng thanh tra làm trưởng đoàn. 

Thời kỳ thanh tra là năm 2023 và những vấn đề có liên quan tới thời gian thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra tại đơn vị.

Vicem lỗ nghìn tỷ

Về tình hình kinh doanh của Vicem, trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng công ty sản xuất được 7,63 triệu tấn clinker, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem ước đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Vicem, năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi gần 642 tỷ đồng. Nguyên nhân cho khoản lỗ lớn của Vicem chủ yếu đến từ việc doanh thu đã giảm mạnh trong năm vừa rồi.

Lý giải về kết quả kinh doanh 2023, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho hay: "Doanh thu, lợi nhuận năm 2023 của Vicem không đạt kế hoạch năm và giảm so với thực hiện năm 2022 là do nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của toàn Vicem sụt giảm, làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm.

Cùng đó, năng lực dự báo thị trường của doanh nghiệp chưa tốt, đã xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu tương đối khả quan, nhưng diễn biến thực tế của thị trường xấu hơn nhiều so với dự báo, dẫn đến nhiều dây chuyền phải giảm công suất, hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh".

Ngoài ra, xi măng còn gặp khó khăn từ chính nội tại ngành, nguồn cung vượt cầu quá lớn, nguồn cung năm qua gần 118 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chưa tới 60 triệu tấn, tức là dư thừa một nửa, cạnh tranh trong nước vô cùng khốc liệt.

Chi phí đầu vào sản xuất vẫn ở mức cao, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 5/2023 và tiếp tục tăng thêm 4,5% từ tháng 11/2023, mà giá bán xi măng không tăng;  xuất khẩu chịu cạnh tranh do nguồn cung dư thừa tại các quốc gia lớn (Trung Quốc tăng xuất khẩu vì tiêu dùng trong nước giảm), dẫn đến giá xuất khẩu giảm theo.

Vicem đặt mục tiêu năm 2024 sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%, trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023, tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.

Về lợi nhuận,  ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho rằng do khó dự đoán về biến động giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (trong đó giá bán điện có thể tăng tiếp) và cầu xi măng chưa phục hồi, nên các doanh nghiệp trong hệ thống Vicem đang phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa các chi phí để xây dựng kế hoạch lợi nhuận ở mức cao nhất có thể.

Bộ Tài chính thanh tra Vicem và 3 công ty con - ảnh 2

Các công ty "họ Vicem" cũng gặp khó

Tính đến cuối năm 2023, Tổng Công ty Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ của đơn vị là Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, và gần 80% đối với Vicem Hà Tiên. Đây cũng là ba công ty con nằm trong danh sách thanh tra nêu trên của Bộ Tài chính.

Về tình hình kinh doanh, 3 công ty này cũng đang gặp những khó khăn nhất định.

Theo báo cáo kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh thu của Vicem Hải Phòng năm 2023 đạt 2.754 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 84% kế hoạch về doanh thu năm 2023. Cùng với đó, Xi măng Vicem Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 3,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Vicem Hải phòng có tổng tài sản đạt 1.521 tỷ đồng, cùng với đó, nợ phải trả đạt 601 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 920 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,17%.

Còn doanh thu năm 2023 của Vicem Tam Điệp đạt 1.207 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế TNDN âm 65,5 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 2 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.132 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 1.126 tỷ đồng, theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 62 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 19 lần. Như vậy, Vicem Tam Điệp đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng vốn từ khách hàng và hỗ trợ từ công ty mẹ.

Cùng với đó, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu hơn 7.054 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng trong năm 2023. Đáng chú ý, 3 tháng đầu năm 2024, Vicem Hà Tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế là âm 24,6 tỷ đồng. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 được tổ chức vào ngày 24/4, Vicem Hà Tiên sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, gồm: sản xuất 4,1 triệu tấn clinker, gần 5,66 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 5, 66 triệu tấn xi măng, hơn 406.000 clinker, doanh thu  7.032 tỷ đồng, giảm 0,3% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là  29 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 17,5% so với 2023, lợi nhuận sau thuế 23,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều đơn vị vận tải trong hệ thống Vicem cũng ghi nhận lợi nhuận âm. Cụ thể, Công ty Cổ phần Vicem Vận tải Hoàng Thạch là âm 0,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần TMDV Vận tải Xi măng Hải Phòng là âm 1,75 tỷ đồng; Công ty Cổ phầ

Vicem Thạch cao Xi măng cũng âm 4,67 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng là âm 8,33 tỷ đồng.

Hiếm hoi, một vài đơn vị ghi nhận lợi nhuậndương, cụ thể Vicem Sông Thao lợi nhuận sau thuế chỉ 0,7 tỷ đồng trong khi doanh thu hơn 1,074 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng vào tháng 3, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó.

Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng và clanhke năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022.

Hiệp hội cho rằng, ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.

Nhận định về nguyên nhân, theo hiệp hội do thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao đặc biệt là giá than.

Ngoài ra, còn do thuế nhập khẩu lanhke tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng lớn.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…