Thông tin trên được Bộ Xây dựng cho biết tại Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn mới được gửi tới Quốc hội.

Tại báo cáo trên, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2023 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, thiếu cân đối trong cơ cấu sản phẩm, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình; nguồn vốn tín dụng đầu tư vào thị trường này và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bộc lộ nhiều tồn tại, rủi ro.

Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, còn vướng mắc cả về việc thực hiện thủ tục đầu tư như vướng mắc pháp luật về đất đai, xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; quy định lựa chọn chủ đầu tư chồng chéo, thiếu thống nhất giữa pháp luật đầu tư, đấu thầu và pháp luật về đất đai… và đặc biệt vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng, dẫn đến phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện nhiều dự án.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính đã trực tiếp làm việc với 8 địa phương gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận và Bình Định và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Tính đến ngày 30/4/2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 163 văn bản, gồm: 9 văn bản của 7 địa phương; 132 văn bản của 79 doanh nghiệp; 2 văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 20 văn bản của người dân báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 193 dự án bất động sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổ công tác đã xem xét, chuyển các văn bản nêu trên tới UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, gồm: 137 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; 14 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài Chính đề nghị xem xét giải quyết, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Qua rà soát, nắm bắt tình hình, Tổ công tác cũng đã có nhiều báo cáo, tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các báo cáo của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo với các biện pháp cụ thể và quyết liệt để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, trong đó có Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022, Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/ 3/2023, Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/ 2023, Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023, Công điện số 469/CT-TTg ngày 25/5/2023, Công điện số 470/CT-TTg ngày 26/5/2023…

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể về mặt thể chế, như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các bộ, ngành đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể các quy định pháp luật, qua đó tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế cho nên bước đầu đã tạo ra những kết quả khả quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại các địa phương.

Cụ thể, tại Hà Nội đã giải quyết đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai 81 dự án. Thu hồi đất, chấm dứt hoạt động 10 dự án. Tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án 67 dự án (đã có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan).

TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

TP. Hải Phòng đã giải quyết tháo gỡ được 11/15 dự án có khó khăn, vướng mắc; 4/15 dự án có khó khăn, vướng mắc còn lại đang được Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện liên quan tập trung, khẩn trương tháo gỡ theo quy định.

TP. Cần Thơ đã giải quyết tháo gỡ được 12 dự án có khó khăn, vướng mắc. Thu hồi đất, chấm dứt hoạt động 5 dự án.

Tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết cơ bản vướng mắc cho tổng cộng 26 dự án bất động sản (trong đó: 11 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai; có văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ 15 dự án có khó khăn, vướng mắc liên quan đến sử dụng đất)…

“Trong thời gian tới, khi Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực thi hành và các văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành đầy đủ chắc chắn sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi mới về mặt cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch hơn”, Bộ Xây dựng nhận định./.