Đó là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức, chiều 28/2.
Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung.
Sau gần 10 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai…Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: Quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp ý tại Hội nghị, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc hội, là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế - văn hóa-xã hội và tác động lớn trong đời sống nhân dân. Hội nghị lấy ý kiến của MTTQ Thành phố lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là tập hợp ý kiến mà còn là chọn lọc và đề cập đồng bộ các nội dung mà Trung ương đã xác định trong Nghị quyết 18-NQ/TW để nâng cao chất lượng của Luật xứng tầm với Luật đất đai trong hệ thống Luật hiện hành.
Dự thảo Luật đến nay gồm 16 Chương, 236 Điều đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Nội dung Luật đã cơ bản đề cập đồng bộ các yêu cầu từ định hướng quản lý, yêu cầu từ thực tiễn đã có những đổi mới mang tính đột phá. Từ yêu cầu về Luật sửa đổi, sự quan tâm của cộng đồng trong quá trình hoàn thiện rất cần linh hoạt hơn các hình thức góp ý, có trao đổi và xác định được giải pháp tổ chức thực hiện Luật kịp thời, hạn chế bất cập với các Luật khác.
Đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nội dung khá toàn diện, bao quát, có nhiều điểm mới có tính chất đột phá, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã căn bản quán triệt và cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và các định hướng chính sách lớn đã để ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Văn Hoạt cho rằng, cần rà soát kỹ hơn, cụ thể hơn, bảo đảm sự thống nhất hơn giữa các nội dung trong bản thân Luật này và các Luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi của Luật. Đây là vấn đề rất rộng, rất phức tạp và rất quan trọng, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cần được rà soát thật kỹ, xem xét một cách cẩn trọng.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định Dự thảo, Luật Đất đai nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Do đó, bà Bích Hảo đề nghị, việc quy định đất phải có định kỳ, có thời gian rà soát cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch phải thống nhất, tối thiểu là 5 năm; đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch mà nhiều đô thị, trong đó, có Hà Nội đã phải trả giá. Bên cạnh đó, cần công bố công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi phê duyệt; tuyên truyền đến nhân dân và lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Do vậy, để bảo đảm chặt chẽ và thận trọng nên quy định có một khoảng thời gian kể từ khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt mới được tiến hành ra quyết định thu hồi đất.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá, các ý kiến đã cho thấy Luật Đất đai (sửa đổi) đã rất coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong lĩnh vực đất đai. Luật có phạm vi rộng, quan trọng, bao quát các lĩnh vực. Các đại biểu cũng ghi nhận những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi).
"Những ý kiến tâm huyết, khoa học của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổng hợp, chắt lọc để gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo, bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng", Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Việc tổ chức hội nghị góp ý kiến đang được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai một cách rộng rãi, thông qua nhiều hình thức như tại hội nghị Đại biểu nhân dân ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống trang Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý...
Đến ngày 28/2/2023, đã có 19 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức hội nghị với 175 ý kiến góp ý trực tiếp và 152 ý kiến góp ý bằng văn bản; 521 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức hội nghị với hơn 2.000 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).