Cần có đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt

Mới đây, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là "Mở rộng cơ sở tính thuế", trong đó có quy định: "Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt" với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân...

68236b4601611.jpg
Quang cảnh buổi họp. (Ảnh: Nhật Nam)

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt như tại Dự thảo chưa đảm bảo đạt được mục tiêu về "ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì", chưa hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng. Đồng thời, chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân, béo phì là hệ quả của nhiều nguyên nhân như thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền hoặc bệnh lý. Hơn nữa, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2023 đã chỉ ra rằng, học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt thường xuyên thấp hơn học sinh khu vực nông thôn. Mặt khác, việc hấp thụ đường còn tùy vào cơ địa của từng người. Điều này cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường.

"Việc này không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì", Đại biểu Hòa chia sẻ.

Cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, trong bối cảnh hiện tại, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và các chính sách hỗ trợ hậu COVID-19 đang trong quá trình chuyển tiếp thì việc đưa vào áp dụng một sắc thuế mới hoặc điều chỉnh tăng thuế suất nếu thực hiện quá sớm có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, tổng cầu và ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung kiến nghị cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

68236cafd654b.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) . Ảnh: (P.Thắng)

Thay vì áp dụng mức thuế như quy định của dự thảo luật hiện nay thì chúng ta nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3% - 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, đối với quy định về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nước giải khát có hàm lượng đường 5h/100ml sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất nước giải khát trong nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa chịu gánh nặng, tăng thêm chi phí, khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu sẽ khó khăn. Giá thành sản phẩm tăng khiến cho tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động. Hơn nữa, còn ảnh hưởng tới người nông dân vì ngành nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như mía đường, trái cây, cà phê…

Theo đại biểu Mai Văn Hải, nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm có nhiều nguyên nhân khác nhau như sử dụng bánh kẹo, sữa có đường và nhiều đồ ngọt khác chứ không riêng việc sử dụng nước giải khát có đường. Do đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động ảnh hưởng từ việc áp thuế để có những biện pháp thực hiện hoặc lộ trình thực hiện phù hợp. Tại thời điểm hiện nay, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị chưa xem xét đánh thuế đối với nước giải khát.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hài hòa, công bằng, thời điểm nào thì áp thuế, thuế suất bao nhiêu là hợp lý. Cần có cái nhìn công bằng, công tâm khi xây dựng thuế thu nhập đặc biệt.

"Cần đặt trong tổng hòa nhiều mục tiêu, đặc biệt là cả mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay", Đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đề nghị lùi thời gian đánh thuế nước giải khát có đường

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga. Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng mức 10% cho nước gọt có ga là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

68236b186059f.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. (Ảnh: HT)

Với bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị lùi thời điểm áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này sẽ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.

Bên cạnh đó, ông Khải đề nghị định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên như nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất….

“Việc này nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước”, ông Khải nhấn mạnh./.