Thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 1/11, đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh: Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua như là giọt nước tràn ly của những tích tụ bất cập lâu nay.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, nhà ở chung cư mini, nhà trọ bình dân tồn tại khách quan và nó là cứu cánh về chỗ ở cho công nhân, người lao động, sinh viên nghèo hiện nay. Do vậy, cần phải giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp.
“Bịt chặt kẽ hở trong quản lý là việc cần làm ngay, nhưng siết chặt quá mức cần thiết sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường khi họ không có điều kiện để ở những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao.” – ĐB Hoàng Đức Thắng nêu rõ quan điểm.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư, các dự án nhà ở xã hội, nhưng đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà. Gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ nhưng lại ế ẩm hàng ngàn căn hộ không ai thuê mua.
“Vì sao vậy? Phải chăng vì nó còn quá xa vời so với khả năng tài chính của người dân thu nhập thấp, người đủ điều kiện mua thì chưa thực sự mặn mà bởi mức giá chưa phù hợp. Đặc biệt là vướng mắc quá nhiều thủ tục hành chính hoặc việc lựa chọn xây dựng vị trí không phù hợp nhu cầu nơi cần lại không có, nơi có lại không cần, đó thực là một kết quả buồn.” – đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị |
Nhấn mạnh sự tồn tại của cả “núi thủ tục, cả rừng quy định” hành chính cùng với những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần tháo gỡ ngay nút thắt, điểm nghẽn này thì nguồn lực xã hội mới được giải phóng, chân thành, trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề liên quan, thực sự xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt thì mục tiêu cao cả này mới trở thành sự thực.
“Nhân đây, tôi cũng đề nghị cần định vị lại địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong sứ mệnh chăm lo về nhà ở xã hội. Tôi ủng hộ điều này nhưng cần thiết kế một cơ chế tham gia của công đoàn với tư cách pháp lý là một tổ chức chính trị xã hội với chức năng đại diện giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp hay cứ nhất thiết phải đứng tách ra với tư cách là ông chủ đầu tư mới có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Đây là điều Quốc hội cần phải thận trọng, cân nhắc trong dự án luật sửa đổi nhà ở lần này. “- ĐB Hoàng Đức Thắng nêu ý kiến.
Xuân Hưng