Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản vừa diễn ra, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà xã hội lên 15-20%, thay vì mức cũ 10% vốn không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, mức tăng này cũng là mong muốn của nhiều chủ đầu tư trên thị trường.
Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, nguồn lực thu hút chủ đầu tư tham gia rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu mua và phát triển nhà ở xã hội. Với Hà Nội, nhu cầu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2023 là 6,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đề án xây một triệu căn nhà xã hội, Thủ tướng cũng giao chỉ tiêu cho thành phố phát triển 56.200 căn.
Về điều kiện phát triển nhà xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, thay vì cắt đi như trong dự thảo Luật Nhà ở Chính phủ trình Quốc hội. Sở đánh giá đây là cơ chế ưu đãi quan trọng để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia. Đồng thời, đây cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.
Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá việc lựa chọn doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo quy trình trong Luật Đấu thầu 2023 vẫn lâu, trong khi dự án cần chọn chủ đầu tư và triển khai sớm mới hiệu quả. Sở đề xuất Luật Đấu thầu có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai, giúp rút ngắn thời gian.
Về tiêu chí vay phát triển nhà xã hội, nhà công nhân trong gói 120.000 tỉ đồng, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất có giải pháp ưu đãi về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý. Ví dụ, dự án nhà xã hội trước đó phải đáp ứng tiêu chí giải phóng mặt bằng xong, có giấy phép xây dựng mới được vay gói tín dụng trên. Sở cho rằng dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất đã đạt điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng thừa nhận lợi nhuận tối đa 10% với phần diện tích xây nhà ở xã hội được đánh giá là thấp và đề cập có nhiều kiến nghị nâng lên 12-15%. Tuy nhiên, Bộ cho rằng nếu tăng lợi nhuận sẽ kéo giá nhà tăng theo và người mua phải chịu chi phí này.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định chủ đầu tư dự án nhà xã hội vẫn hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư. Chủ đầu tư được dành 20% đất ở trong phạm vi dự án để xây công trình kinh doanh dịch vụ, nhà ở thương mại. Toàn bộ lợi nhuận với phần diện tích này doanh nghiệp sẽ được hưởng và được hoạch toán riêng, không được tính vào giá thành nhà xã hội.
Thùy Chi