Thứ 6 ngày 17 tháng 5 năm 2024 / 14:17

Thêm 2.300 tỷ đồng trái phiếu chảy về doanh nghiệp “họ” Novaland

Trước đó, Hội đồng quản trị Novaland đã thông qua nghị quyết sử dụng 54 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty để bảo đảm cho các khoản huy động vốn của No Va Thảo Điền.
Thêm 2.300 tỷ đồng trái phiếu chảy về doanh nghiệp “họ” Novaland | Thêm 2.300 tỷ đồng trái phiếu chảy về doanh nghiệp “họ” Novaland | thị trường | doanh nghiệp | tiêu điểm | quy hoạch | hạ tầng | dự án | tài chính |

Ảnh minh họa.

Công ty TNHH No Va Thảo Điền vừa phát hành thành công 23 triệu trái phiếu tại thị trường trong nước với mệnh giá 100.000 đồng/tp, thu về 2.300 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, phát hành vào ngày 5/9/2022 và đáo hạn vào ngày 5/9/2027.

Trước đó, Hội đồng quản trị Novaland đã thông qua nghị quyết việc sử dụng tài sản của công ty để bảo đảm cho các khoản huy động vốn của No Va Thảo Điền.

Theo đó, Novaland sẽ sử dụng 54 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM (tổng diện tích là 93.240 m2) thuộc sở hữu của công ty, để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán, trả nợ và các nghĩa vụ khác liên quan đến khoản huy động tối đa 2.300 tỷ đồng từ trái phiếu và 100 triệu đồng khoản cấp tín dụng tại ngân hàng SCB của No Va Thảo Điền.

Về phía No Va Thảo Điền, công ty được thành lập vào tháng 5/2008, người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Đạt Chương, hoạt động chính là kinh doanh bất động sản.

Tại thời điểm ngày 5/8, vốn điều lệ của công ty là 7.822 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ vốn góp của Novaland là 99,994% với 7.821,6 tỷ đồng. Ngoài Novaland, hai nhà đầu tư còn lại là bà Huỳnh Phương Thảo và ông Bùi Đạt Chương, mỗi người giữ 0,003% vốn.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland, HOSE: NVL) vừa được công bố cuối tháng 8 vừa qua, đến thời điểm này, nợ phải trả của Novaland tăng 21,5% so với hồi đầu năm lên gần 195.000 tỷ đồng, chiếm tới 81,4% tổng nguồn vốn.

Đáng chú ý, trong khi “núi nợ” tăng gần 35.000 tỷ đồng lên gần 195.000 tỷ đồng so với ngày 31/12/2021 thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ chiếm gần 18,6% với mức hơn 44.464 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so sánh nợ phải trả và vốn chủ sở hữu thì hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức rất cao 4,38 lần. Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của Novaland đang mất cân đối nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Đáng lo ngại hơn là hiện riêng nợ trái phiếu của Novaland đã chiếm tới 72,4% tổng nợ vay với mức 49.663 tỷ đồng (cao gấp 1,12 lần vốn), bao gồm 14.368,7 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và 35.294,2 tỷ đồng dài hạn.

Theo dữ liệu của VBMA, từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54.2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91,998 tỷ đồng, chiếm 76.9%.

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21.3%; trong đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) phát hành nhiều nhất (9.857 tỷ đồng), xếp sau là CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10.2%/năm.

Văn Xuân

Theo: vnmedia.vn copy https://vnmedia.vn/cafedautu/them-2300-ty-dong-trai-phieu-chay-ve-doanh-nghiep-ho-novaland-12965/

Tin liên quan