Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự thảo Luật đã được Chính phủ thông qua và đã trình Quốc hội); chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, trong đó có 2 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ và đã ban hành văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này. Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, cụ thể: Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030, các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.
Thời gian vừa qua, một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp khởi công các dự án nhà ở xã hội với quy mô lớn!
Ảnh minh họa |
Khởi công dự án nhà ở xã hội gần 1.300 tỉ đồng tại Hà Nội
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà đã khởi công khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu nhà ở đô thị Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 9,6ha với vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.268 tỉ đồng. Quy mô dự án gồm 9 tòa tháp cao 9 tầng, cung cấp 720 căn hộ có diện tích dao động từ 62-69m2.
Dự án được quy hoạch, thiết kế hiện đại và đồng bộ với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, hệ thống công viên, cây xanh… Sau khi hoàn thành, sẽ mở ra cơ hội cho gần 18.000 công nhân đang phải thuê nhà trọ để làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh và nhiều người lao động có thu nhập thấp chưa có nhà ở thuộc huyện Mê Linh.
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” ngày 19/5 mới đây, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội trên diện tích 7.950m2, cung cấp 157.100 căn, hiện đang triển khai 418 dự án với 432.400 căn.
Tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu sẽ phát triển mới khoảng 1.215 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Đồng Nai duyệt phát triển 10.000 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội
UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đến năm 2025. Dự kiến, tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng 10.000 căn nhà ở với tổng mức đầu tư 10.155 tỉ đồng.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch dành hơn 700ha đất để đầu tư xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Tổng mức đầu tư ước tính cần khoảng 10.155 tỉ đồng.
Những dự án này chưa bao gồm quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Các địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội sẽ được bố trí nhiều quỹ đất hơn để phát triển loại hình nhà ở này, như huyện Cẩm Mỹ sẽ có 288,58ha hay huyện Vĩnh Cửu có 140,54ha...
Về số lượng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tính theo địa phương, kế hoạch đến năm 2025, thành phố Biên Hoà có 18 dự án, huyện Cẩm Mỹ 12 dự án, huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất mỗi nơi có 7 dự án…
Hiện tỉnh Đồng Nai có 9 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đang triển khai với tổng số 10.202 căn nhà, tập trung chủ yếu tại huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành. 5 địa phương không có dự án nhà ở xã hội nào là các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, hiện nay toàn tỉnh có 3.500 căn nhà ở xã hội. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân chỉ khoảng 1.500 hộ, 2.000 căn còn lại là các đối tượng chính sách, lực lượng vũ trang. Do đó, không đáp ứng được thực tế so với lực lượng công nhân trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội tới năm 2025, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng tại các địa phương đông công nhân lao động như: thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành…
Sau đó, từ năm 2026, các huyện thành phố sẽ xây dựng từ 1-3 dự án mới. Hiện nay, Sở Xây dựng xác định 37 dự án cần xây dựng 176 ha, ước tính khoảng 40.000 căn hộ, lộ trình đến 2030.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, tỉnh sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có hơn 50% vốn đầu tư dự án và có kinh nghiệm về loại hình nhà ở này. Đảm bảo minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư, không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giá nhà phù hợp để người thu nhập nhấp có khả năng trả góp từ 15 - 20 năm.
Bình Thuận sẽ xây dựng gần 10.000 căn hộ nhà ở xã hội
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phẩn ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ trên địa bàn tỉnh hoàn thành khoảng 9.800 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 5.600 căn và giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 4.200 căn.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định hàng loạt giải pháp như, hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Bên cạnh đó, có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 9.800 căn hộ trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn cần quan tâm hơn nữa đến viêc đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.
Dự án bao gồm các khu chức năng như: Khu nhà ở, công trình công cộng, công trình hỗn hợp, trường học, bệnh viện, thể dục thể thao, giao thông, cây xanh, mặt nước, bãi đỗ xe và khu hạ tầng kỹ thuật.
Khu đất hơn 8 ha, nơi sẽ thực hiện dự án bãi đỗ xe, trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Hoàng Mai Giáp Bát cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều khu đất tại đây đang được tận dụng làm bãi gửi xe, kho xưởng, cỏ mọc um tùm.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa thông tin kết quả giải quyết 101 kiến nghị liên quan đến vướng mắc thủ tục pháp lý của 96 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn. Đây là những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM.
Thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3 đều thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam – Krông Nô vừa bị phát hiện chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động suốt 7 năm qua (từ năm 2016 đến nay).
Trong khi quỹ đất nội thành Hà Nội ngày càng bị thu hẹp thì nhiều tòa nhà ở tái định cư nằm trong Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) lại trong tình cảnh bỏ hoang, vắng bóng hơi người, cơ sở hạ tầng đang dần xuống cấp.
Nhiều địa phương trên cả nước phê duyệt một số dự án bất động sản có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định bốn tòa tháp thuộc dự án Đà Nẵng Times Square của Công ty CP Kim Long Nam được chuyển mục đích sử dụng đất từ condotel thành chung cư.
Theo đó, sẽ có 74 lô đất ở tại thôn Kép 12, xã Hương Sơn và tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, có diện tích từ 75 đến 328 m2/lô.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các công trình khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú,... được cấp sổ đỏ theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
UBND tỉnh Bình Phước vừa công bố danh sách 13 dự án bị thu hồi trên địa bàn, trong đó có nhiều dự án dù được cho phép gia hạn nhưng hết thời gian các chủ đầu tư vẫn không thực hiện.