Tính đến thời điểm hiện tại khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp thì nhiều mặt hàng vẫn điềm nhiên giữ giá, neo cao. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ.

Trao đổi về vấn đề này tại buổi tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp", Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho rằng, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp đến giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Cục Quản lý giá về chu trình, độ trễ của giá cả trên thị trường, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng còn có một số nguyên nhân khác. Theo đó, thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, “sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.”

“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay.” – Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lên tiếng.

 

Đặc biệt, ông Lực cho rằng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa.

“Y kiến phản ánh của người dân là rất quan trọng. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng.  Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý.” – chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, đối với những đơn vị “chỉ có tăng mà không có giảm,” không phù hợp với tình hình nhiên liệu xăng dầu giảm thì chúng ta sẽ áp dụng các quy định theo pháp luật.

“Tức là chúng ta đã có đầy đủ công cụ, có Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Thứ nhất là anh phải kê khai giá, thứ hai là phải niêm yết giá và thứ ba là phải triển khai thực hiện thu giá theo đúng như đã niêm yết.” – ông Trần Bảo Ngọc nêu rõ.

Cũng theo ông Ngọc, đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ thì còn phải bổ sung thêm, thậm chí doanh nghiệp phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá và các đơn vị chức năng sẽ có thể thu hồi phù hiệu.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú thì nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, sự thông tin thường xuyên, hỗ trợ của các cơ quan báo chí, “làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên-xuống giá.”