Ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Văn bản số 3119/UBND-TNMT gửi các đơn vị liên quan chỉ đạo về công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Văn bản được ban hành sau khi lãnh đạo UBND TP. Hà Nội xét báo cáo, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 7368/STNMT-QHKHSDĐ ngày 16/9/2024 về tình hình thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Theo đó, tại văn bản trên, đề cập đến việc triển khai và tổ chức đấu giá đất, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của trung ương, thành phố và địa phương theo quy định.

Các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và  sát giá thị trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Đồng thời, đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Ngoài ra, đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

“UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường. Công bố danh sách công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường", UBND TP. Hà Nội yêu cầu.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, hôm 10/8, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá 68 thửa đất ở xã Thanh Cao, thu hút khoảng 1.600 nhà đầu tư với hơn 4.300 hồ sơ đăng ký tham dự hợp lệ.

Sau cuộc đấu giá, lô trúng cao nhất đã được trả tới hơn 100 triệu đồng/m2. Một vài lô đất vị trí đẹp khác cũng trúng đấu giá với mức quanh 90 triệu đồng/m2. Các lô đất còn lại có giá trúng từ 63-80 triệu đồng/m2. Mức giá này gấp 5-6 lần giá khởi điểm.

Sau đó, ngày 19/8 đã diễn ra cuộc đấu giá 19 lô đất ở tại khu LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội). Cuộc đấu giá diễn ra từ 8h sáng, xuyên đêm và đến 4h30 ngày 20/8 - sau 18 tiếng mới có kết quả chung cuộc khi toàn bộ lô đất đều đã bán đấu giá thành công.

Theo kết quả sơ bộ, lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Lô đất này có kí hiệu LK03-12 nằm ở vị trí góc với 2 mặt thoáng, diện tích trên 113 m2.

Bên cạnh lô đất trên, 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Ba lô kí hiệu LK03-6, LK03-7 (rộng 91,67 m2) và LK04-6 (rộng 115,95 m2) trúng giá 127,3 triệu đồng/m2. Giá trị của các lô đất lần lượt là hơn 15 tỷ đồng, 11,6 tỷ đồng và 14,7 tỷ đồng. Hai lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên này là 91,3 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, thời điểm 2 cuộc đấu giá đất ở Thanh Oai và Hoài Đức diễn ra chỉ cách nhau gần 10 ngày và cuộc nào cũng được trả mức giá cao kỷ lục đã gây “choáng váng” cho không ít các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía huyện Thanh Oai, tính đến 16/9, dù đã hết hạn nộp tiền nhưng chỉ có 13 lô đất có giá trúng từ 51,6 triệu đến hơn 55 triệu đồng/m2 đã nộp đủ tiền. Còn lại 55 lô có giá trúng cao từ 80 triệu đồng/m2, bao gồm cả người trúng lô đất có giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2, chưa nộp tiền đúng thời hạn. Như vậy, phần lớn các lô trúng đấu giá đã bị bỏ cọc./.