Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Dự án nối liền 3 quận trung tâm gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Được khởi công từ năm 2018. Đến nay, dự án đã hoàn thành, sẵn sàng thông xe đưa vào khai thác phục vụ nhân dân ngay trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

vanh-dai-2-16730724811831685276737-2307.jpg

Được biết, dự án mở rộng đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy đã được thi công trong thời gian hơn 4 năm. Trong tháng 12 vừa qua, để phục vụ thông xe, nhà đầu tư dự án cùng với các đơn vị có liên quan đã có phương án tổ chức phân luồng giao thông trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Khu vực này tập trung đông dân cư với nhiều khu đô thị lớn nên theo dự kiến, khi tuyến đường này đi vào sử dụng, sẽ tạo áp lực đáng kể lên 2 nút giao trọng điểm Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở. Vì vậy phương án tổ chức giao thông làm sao tối ưu nhất, để giảm ùn tắc là điều đặc biệt quan trọng, tránh tình trạng thông thoáng chỗ này nhưng lại tắc chỗ khác cũng là thực tế xảy ra tại một vài dự án thông xe trước đó.

Với dự án này, mục tiêu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các cơ quan chuyên môn là làm sao đường trên cao thông xe, nhưng Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở không bị "dồn cục" phương tiện, gây phát sinh các điểm đen ùn tắc mới.

Việc đưa vào sử dụng dự án đường Vành đai 2 trên cao được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn nạn tắc đường vốn là nỗi lo thường trực của người dân khi di chuyển qua khu vực này.

Trung Kiên