him-lam-land-0036.jpgHim Lam Land là một tay chơi mới nổi trên thị trường tài chính.

Với nguồn tiền dồi dào này, Him Lam Land đã “xông pha” mạnh tay vào lĩnh vực đầu tư tài chính. Him Lam Land vừa công bố đã thực hiện giao dịch 2.557.245 cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS), ước tính thương vụ này có giá khoảng 189 tỷ đồng. Sau giao dịch này, tỷ lệ nắm giữ của Him Lam Land tại SAGS là 7,6%.

SAGS hoạt động trong lĩnh vực gì?

SAGS được thành lập từ năm 2004 và cổ phần hóa vào năm 2014 với 2 mảng hoạt động chính: dịch vụ hàng không và dịch vụ phi hàng không. Đây là những ngành nghề có điều kiện nên đối thủ cạnh tranh không nhiều. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh với các khách hàng lớn là VietJet, Asiana Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways, Turkish Airlines.

Dịch vụ hàng không chiếm 95% doanh thu của công ty, bao gồm các dịch vụ chính: phục vụ hành khách (làm thủ tục, quầy soát vé…), sân đỗ (làm vệ sinh, cung cấp nước sạch…), hành lý, cân bằng trọng tải, phục vụ khách thương gia…, kéo đẩy, quầy thủ tục, xe chở khách. Dịch vụ phi hàng không bao gồm sữa chửa, bảo dưỡng, đào tạo, cho thuê trang thiết bị.

Đến nay, công ty có vốn điều lệ 335 tỷ đồng, tương ứng 33.533.591 cổ phiếu đang lưu hành. Theo dữ liệu đến 31/12/2022, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nắm giữ 16.128.051 cổ phiếu, tỷ lệ 48,03%; CTCP Chứng khoán SSI nắm giữ 5.924.220 cổ phiếu, tỷ lệ 17,64% và CTCP Hàng không VietJet nắm giữ 3.060.822 cổ phiếu, tỷ lệ 9,11%.

Năm 2022, SAGS đạt 1.016 tỷ đồng doanh thu và 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 104% và 157% so cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 3.971 đồng và chi trả cổ tức bằng tiền 2.500 đồng/cổ phiếu.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 48,5% so với năm 2022. Chính sách cổ tức tiếp tục duy trì ở mức 2.500 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa ngày 7/6, cổ phiếu SGN đạt 73.500 đồng/cổ phiếu, tăng 17,2% so với đầu năm giúp vốn hóa của SAGS ở mức 2.465 tỷ đồng.

Him Lam Land lãi lớn nhờ chốt lời cổ phiếu DIG

Ngày 2/12/2020, Him Lam Land đã chi 1.450 tỷ đồng để sở hữu 67.691.591 cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), tương ứng tỷ lệ 21,49%. Trước đó, Him Lam Land có ý định hợp tác với DIC Corp để đầu tư dự án Bắc Vũng Tàu nhưng cổ đông của DIC Corp đã không đồng ý kế hoạch này.

Năm 2021, cổ phiếu DIG tăng 348% nhưng tính rộng ra DIG đã tăng 1.537% trong chu kỳ tăng giá này. Điều này xuất phát từ việc cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh mẽ nhờ thị trường địa ốc lên sơn sốt khắp nơi do mặt bằng lãi suất thấp. Đặc biệt là quả bom tấn đấu giá 4 khu đất Thủ Thiêm vào 10/12/2021 có giá trúng bình quân 1,241 tỷ đồng/m2, tăng gấp 7,09 lần so với giá khởi điểm.

Thế rồi quả bom bị nổ tung vào 10/1/2022 khi các doanh nghiệp tham gia đấu giá lần lượt bỏ cọc. Cổ phiếu bất động sản xì hơi giảm 80-90% từ đỉnh đến khi tạo đáy vào cuối năm 2022. Cổ phiếu DIG không ngoại lệ với mức giảm lên đến 90,8% khiến nhiều nhà đầu tư "tan nhà, nát cửa".

Tuy nhiên, Him Lam Land đã tỉnh táo khi “tháo chạy” khỏi DIG ở vùng giá cao để năm 2022 ghi nhận lãi kỷ lục với 2.380 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 14 lần so với năm trước trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lao đao với lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ lớn.

Him Lam Land được thành lập năm 2008, là nhà phân phối các dự án bất động sản cho Tập đoàn Him Lam như Him Lam Nam Khánh Q.8, Him Lam Riverside Q.7, Him Lam Chợ Lớn Q.6, Him Lam Phú An Q.2…Công ty đang có vốn điều lệ 1.700 tỷ đồng.

Hiện nay, người đại diện pháp luật cho Him Lam Land là ông Nguyễn Ngọc Thủy (sinh 1965), Tổng Giám đốc Him Lam Land. Ông Nguyễn Ngọc Thủy là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Him Lam Land từ năm 2008. Trước đó, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đầu tư và Tài chính Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh.