Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội liên quan đến câu hỏi vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ mà công ty con vẫn gửi ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng.

Tại văn bản trên, EVN giải thích: Cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.

Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn.

"Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới", tập đoàn này giải thích.

Theo EVN, các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.

Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký.

"Số tiền gửi ngân hàng cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng) và chi phí cho sản xuất kinh doanh", EVN cho biết.

Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỉ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ.

Điều đáng nói là công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022.

"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.

Liên quan đến việc này, trước đó tại cuộc họp báo ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, nguyên tắc vận hành thị trường là EVN mua các nguồn điện theo cơ chế từ giá thấp đến cao. Tức là nhà máy phát điện nào chào giá thấp trên thị trường được huy động trước, giá cao sẽ huy động cuối cùng. Do đó, các nguồn từ thủy điện, than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho Tập đoàn điện lực Việt Nam.

"EVN hiện là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí đắt đỏ, trong khi giá bán điện tới khách hàng do Nhà nước điều tiết", ông An nói.

EVN đóng vai trò mua hộ và phải chịu các chi phí cao khi giá mua điện tăng, giá bán ra thấp nên gây lỗ. "Đây vừa là cái khó nhưng cũng là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Thứ trưởng Công Thương giải thích.