Theo đó, chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ chiều tối ngày 16/3, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airway cho biết, Bamboo Airways đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. Đại dịch kéo dài, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.

Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.

Theo ông Quân, nếu như hãng không tìm được nhà đầu tư tâm huyết, có trách nhiệm, không ai có thể tưởng tượng ra hậu quả lớn thế nào. Hàng không không chỉ đơn thuần là hãng vận tải, mà nó còn là đại diện hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, là cầu nối giữa Việt Nam với Thế giới và Thế giới với Việt Nam.

Nhờ đó hãng đã vượt qua khó khăn, dần ổn định và vững vàng ở vị thế một trong ba hãng hãng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nội tại nổi bật là: Dịch vụ hàng không chất lượng, tự tâm – Mạng đường bay liên vùng, liên châu lục tăng trưởng mạnh mẽ – Tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airway.

Đáng chú ý, trong chia sẻ của mình, ông Quân cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan).

Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Mọi tiến trình đều được báo cáo cơ quan chức năng và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hãng bay này, trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn FLC diễn ra ngày 4/3 vừa qua, ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch FLC cho biết, doanh nghiệp này đang xem xét chuyển nhượng khoản đầu tư vào Bamboo Airways.
FLC cho biết số tiền tập đoàn đang đầu tư vào Bamboo Airways là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.

Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể tối đa lên tới 3.642 tỷ đồng. Như vậy, tính theo số lượng vốn nắm giữ, năm 2022 Bamboo Airways có thể đã lỗ tới hơn 16.000 tỷ đồng.

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Sau đó, hãng hàng không tăng vốn điều lệ lên các mức 2.200, 7.000, 10.500… và cuối cùng là 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021. FLC cũng giảm dần sở hữu xuống còn 21,7%.

Trong hai năm đầu hoạt động (2019 – 2020), Bamboo Airways đều có lãi ròng. Đến năm 2021 và 2022, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không nên hãng bay thua lỗ nặng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Him Lam được thành lập vào ngày 01/09/1994 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và đầu tư tài chính.

Đây là doanh nghiệp có địa chỉ tại 234 Ngô Tất Tố. P.22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chủ tịch Him Lam là ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê tại Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Theo giới thiệu của trang website Tập đoàn Him Lam, nhờ sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, Công ty cổ phần Him Lam hiện là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, thế mạnh của Công ty Him Lam còn ở khả năng phát triển và tạo lập quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất sạch có vị trí đắc địa; đồng thời sở hữu năng lực triển khai các dự án bất động sản vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.