Giá nhà giảm nhưng lãi vay cao, chạm mốc 12-13%/năm

Trong bối cảnh hiện nay, đa số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản. Thực tế này đã khiến không ít doanh nghiệp đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại”.

Một trong số đó là việc hạ giá bán nhằm kích cầu người mua, huy động vốn. Nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 50% trị giá hợp đồng.

Đơn cử, một dự án tại Đồng Nai đang gây xôn xao thị trường khi đưa ra ưu đãi “khủng” như chiết khấu 50% cho 20 căn thanh toán nhanh ở một phân khu dự án. Theo đó, căn nhà phố rộng 154m2, có giá hơn 12,8 tỷ đồng thì chỉ còn hơn 6,8 tỷ đồng; chiết khấu 30% nếu khách hàng thanh toán sớm 95%, ưu đãi gói hoàn thiện nội thất chiết khấu 1,5 tỷ đồng trừ vào giá bán; cùng với đó là chính sách cam kết thuê lại trong 36 tháng với tất cả các sản phẩm từ biệt thự đơn lập, song lập đến shophouse, nhà phố liền kề.

Tuy nhiên, lãi suất tăng cao lại gây áp lực cho người mua nhà. Mới đây, Nam A Bank vừa niêm yết lãi suất huy động 11%/năm cho sản phẩm Happy Future khi khách hàng gửi kỳ hạn 9 tháng, nhưng mức lãi suất này áp dụng trong 3 tháng đầu, còn 6 tháng sau là 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 6 tháng đầu là 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 12 tháng đầu là 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm.

Tại VPBank, sản phẩm tiền gửi Prime Saving kỳ hạn 36 tháng có lãi suất tháng đầu là 10,02%/năm, từ tháng thứ 2 trở đi là 8,35%/năm; ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, các tháng sau là 8,07%/năm; đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 9,17%/năm, các tháng sau là 7,65%/năm.

lai-suat-ngan-hang.jpg
Lãi suất cho vay mua nhà tháng 11 tại các ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tới 3,9 điểm %, nâng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 10,59%. Bù lại, Techcombank có chính sách ưu đãi giảm trừ lãi suất vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi với từng nhóm khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng tới 1,5 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà từ 6,2%/năm lên mức 7,7%/năm. Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 7%/năm, tức là tăng thêm 0,8 điểm %.

Lãi suất vay mua nhà của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) trong tháng 11 năm nay đang là 15%/năm, cố định trong năm đầu tiên, biên độ dao động là 4,4%. Sau 1 năm ưu đãi, lãi suất sẽ tăng lên là 16,4%/năm, tuy vậy, người vay vẫn phải xếp hàng chờ giải ngân bởi OCB đã hết hạn mức tín dụng. Ngoài ra, để tránh trường hợp người vay tất toán trước hạn hay chuyển sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn, OCB quy định mức lãi suất thực khi tất toán trước hạn trong năm đầu tiên là 19,91%. Như vậy, mức lãi suất của OCB đã tăng thêm từ 4-5%/năm so với đầu năm 2022. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện đang áp dụng lãi vay mua nhà ở mức 11-12%/năm tùy gói vay, thời hạn và đối tượng khách hàng.

Nếu như người có tiền nhàn rỗi vui mừng khi thấy lãi suất tiết kiệm liên tục tăng, thì những ai đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà hay sản xuất - kinh doanh lại lo lắng, bởi lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng tăng của lãi suất huy động.

Cơ hội mua nhà thêm khó?

Những năm trước, cuối năm luôn là thời điểm các nhà băng rầm rộ tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà. Nhưng năm nay, các ngân hàng hạn chế cấp vốn vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản trung và cao cấp, nên hầu như không còn gói tín dụng ưu đãi, khiến cơ hội vay mua nhà với nhiều người bị thu hẹp. Trong khi đó, lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động là tất yếu. Nếu đưa ra giải pháp hành chính “ép” ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay, sẽ có hiện tượng lãi suất cho vay danh nghĩa giữ nguyên, song lãi suất thực vẫn tăng, vì các ngân hàng nhiều khả năng đưa ra các loại phí hoặc ban hành chính sách “bia kèm lạc” để bảo toàn lợi nhuận.

Hiện tại, dư địa giữ ổn định mặt bằng lãi suất chỉ nằm ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, chiếm khoảng 40% thị phần hệ thống. Lãi suất cho vay của nhóm này đang khá ổn định, tuy nhiên, nếu mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay thời gian tới khó có thể giữ nguyên.

Trong khi đó, tại báo cáo quý III/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với nửa đầu năm. Lượng giao dịch cũng giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng chỉ ra, 9 tháng đầu năm 2022, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực.

Trước sự băn khoăn của người có nhu cầu vay mua nhà, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, lãi suất thời gian qua nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng quyết định tới việc có mua, hoặc mua được nhà hay không. Giữa bối cảnh khó khăn, người có nhu cầu nhà ở cần cân nhắc sao cho phù hợp vì thực tế vẫn còn giải pháp khả quan như đi thuê nhà. Hơn nữa thị trường đang có nhiều yếu tố bất định, việc tiếp cận khoản vay không dễ dàng, hoặc chi phí lãi vay cao, việc thay vì mua thì tạm thuê cũng đáng suy nghĩ.

“Nói như thế không có nghĩa việc người dân có nhà không quan trọng, nhưng cần sắp xếp thứ tự sao cho phù hợp trong từng giai đoạn của nền kinh tế”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Hà Thu