Trụ sở UBND TP Hà Nội |
Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tổ chức sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ).
Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo bám sát kết quả sơ kết thí điểm để chỉnh lý, hoàn thiện nội dung của dự án Luật, bảo đảm luật hóa việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đồng thời giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện thí điểm vừa qua.
Dự thảo Luật Thủ đô trao thêm nhiều quyền hạn cho HĐND, UBND các cấp của Hà Nội so với quy định về HĐND, UBND các cấp được quy định tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc trao thêm quyền hạn này cho HĐND, UBND các cấp của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quan điểm mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết 15/NQTW về phương hướng nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 05 tháng 05 năm 2022 (“Nghị quyết 15”).
“Tuy nhiên, việc trao thêm quyền hạn này cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thực hiện theo lộ trình từng bước song song với việc kiện toàn, bổ sung nhân sự của bộ máy hành chính của thủ đô để thực hiện tốt các trọng trách được giao thêm, tránh trường hợp bị quá tải hoặc chồng chéo giữa bộ phận với nhau” - Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý cho chương Tổ chức Chính quyền tại Thủ đô.
Với ý kiến trên, Bộ Tư pháp cho biết, ban soạn thảo đã tiếp thu, rà soát tại dự thảo Luật.
Hà Nội được tăng thêm tối đa 10% biên chế
Nêu ý kiến xây dựng Luật Thủ đô, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình quan tâm đến quy định: Trên tổng số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để đảm bảo các chi phí cho biên chế tăng thêm.
“Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo giải trình rõ trong hồ sơ dự án Luật về căn cứ, cơ sở khoa học của việc đề xuất tỷ lệ biên chế được tăng thêm tối đa là 10%, làm rõ nguồn bố trí số lượng biên chế tăng thêm để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện” - các ý kiến nêu rõ.
Trong khi đó, Khoa học xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì chọn phương án: “Quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội.”
Đây cũng là phương án được Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nhất trí. Tuy nhiên, đơn vị này đề nghị bổ sung thêm một số tiêu chí cần thiết như: căn cứ vào thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc…
Tiếp thu ý kiến góp ý, để bảo đảm tính khả thi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, sự chủ động và đáp ứng nhu cầu thực tiễn công việc của Thủ đô, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng chỉ đưa ra một phương án, theo đó quy định: Trên tổng số biên chế cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để đảm bảo các chi phí cho biên chế tăng thêm.
Xuân Hưng