Liên tục phát hành trái phiếu không đảm bảo để đảo nợ

Ngày 25/10/2022, Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group; HOSE: MSN) công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra công chúng.

3513h1.jpg

 

Theo đó, Masan Group thông qua phương án phát hành ra công chúng 2 lô trái phiếu doanh nghiệp MSNH2328001 và MSNH2328002 với tổng trị giá 4.000 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Dự kiến 2 lô trái phiếu này sẽ được phát hành trong nửa đầu năm 2023, kỳ hạn tối đa 60 tháng. Đáng chú ý 2 lô trái phiếu này là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm.

Masan Group cho biết, sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN022023 (mã chứng khoán MSN12001) với tổng mệnh giá phát hành 2.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 30/3/2020 và đáo hạn 30/3/2023. Thời gian sử dụng vốn dự kiến quý 1/2023.

Bên cạnh đó, Masan cũng sẽ huy động 2.000 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu BondMSN032023 (mã MSN12003) với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng đã được phát hành ngày 12/5/2020 và đáo hạn 12/5/2023. Thời gian sử dụng vốn dự kiến trong quý 2/2023.

Trước đó, công ty này đã huy động thành công 2 lô trái phiếu MSNH2227003 và MSNH2227004 kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 (MSN11906), kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 26/9/2022. Hai lô trái phiếu này cũng là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm.

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện Masan Group hiện đang có tới 45 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị 5.500 tỷ đồng. Trong đó có tới 43 lô trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023 với giá trị 4.000 tỷ đồng.

Nếu thành công phát hành 2 lô trái phiếu MSNH2328001 và MSNH2328002 thì dư nợ trái phiếu của Masan Group sẽ lên mức 9.500 tỷ đồng.

Không chỉ công ty mẹ, nhiều công ty thành viên của Masan Group cũng đang sở hữu khoản nợ trái phiếu “khủng” hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, theo HNX, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang lưu hành 34 lô trái phiếu với giá trị 5.300 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce đang lưu hành 31 lô trái phiếu với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng; CTCP Masan High-tech Materials 3.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Masan Consumer Holdings 2.100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, hiện tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Massan Group. Ngoài ra, ông Quang cũng đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank; Hose; TCB); Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

Masan Group báo lỗ hơn gần 1.132 tỷ đồng

Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2022 vừa được công bố, doanh thu từ tài chính của Masan Group đạt 784,4 tỷ đồng, cao hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

198h2.jpg

Trong khi đó, chi phí tài chính của Masan Group lên tới 736,2 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay (533 tỷ đồng); Chi phí quản lý doanh nghiệp 87,7 tỷ đồng.

Bởi vậy, kết thúc quý 3, Masan Group báo lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm Công ty mẹ Masan Group lỗ gần 1.132 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền thuần của công ty mẹ Masan Group cũng đang ghi nhận âm 4.574,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 (cùng kỳ dương 351 tỷ đồng).

Trong đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 2.002,5 tỷ đồng; Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 2.872,6 tỷ đồng; Riêng dòng tiền tư hoạt động tài chính dương 300,4 tỷ đồng nhờ Masan Group thu gần 7.096 tỷ đồng từ đi vay và phát hành trái phiếu. Đáng chú ý, doanh nghiệp này phải trích hơn 5.727 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay và trái phiếu.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Công ty mẹ Masan đạt mức 50.458,5 tỷ đồn giảm 736 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Kéo theo đó vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng giảm 2.200 tỷ đồng xuống mức 21.376 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của Masan Group tăng hơn 1.464 tỷ đồng lên mức hơn 29.082 tỷ đồng.

Sỹ Bắc - Kim Thương